DetailController

Kinh tế

Ưu tiên các nguồn đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản

06/06/2022 00:00
Nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm nông, lâm, thủy sản, xây dựng và hướng đến phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, những năm qua, tỉnh đã quan tâm thu hút, đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản. Thông qua việc phát huy những tiềm năng thế mạnh, xây dựng vùng nguyên liệu và triển khai có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đơn vị, doanh nghiệp đầu tư xây dựng, phát triển các nhà máy chế biến, sản xuất nông, lâm, thủy sản.
Chế biến nông sản tai Công ty Cổ phần Kim Bôi

Tỉnh Hòa Bình có lợi thế phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, nhờ đất đai rộng lớn, có nhiều vùng nguyên liệu và vị trí địa lý thuận lợi. Theo số liệu thống kê đất năm 2021, tỉnh có 459.030 ha diện tích rừng tự nhiên. Trong đó, Quỹ đất đang sử dụng sản xuất nông, lâm, thủy sản chiếm 85,4%. Các loại đất có diện tích tương đối lớn, như đất phù sa, đất bãi bồi ben sông đã đất cho phép tỉnh phát triển một nền nông nghiệp khá toàn diện. Với nhiều tiểu khí hậu đa dạng, nhiệt đới ẩm, mưa nhiều thích hợp cho phát triển cây ăn quả, cây công nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh có hồ Thủy điện Hòa Bình với chiều dài 70km, đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản.

Các lâm trường trên địa bàn tỉnh hình thành, phát triển từ rất sớm. Từ năm 1967, nông trường Sông Bôi, Thanh Hà được thành lập. Nông trường tập trung trồng chè, mía đường, ngô... Từ những mô hình sản xuất nông nghiệp của các nông, lâm trường đã lan tỏa tư duy sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh liên doanh, liên kết, ứng dụng khoa học-công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản trên địa bàn.

Ðể tạo điều kiện thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản, tỉnh đã ban hành Đề án số 03-ĐA/TU ngày 09/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và nhiều chính sách về hỗ trợ tiêu thụ nông sản, khuyến khích phát triển nuôi cá lồng vùng hồ Hòa Bình, chính sách phát triển làng nghề truyền thống. Mục tiêu là phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản 4,5-5%/năm; tỷ lệ hàng hóa qua chế biết đạt 30%; cải tạo và nâng cấp 9 nhà máy chế biến nông, lâm sản quy mô vừa lên quy mô hiện đại, đảm bảo môi trường sinh thái, đáp ứng yêu cầu về xu hướng xuất khẩu.

Với mục tiêu nâng cao giá trị nông sản, xây dựng nền nông nghiệp bền vững, giảm áp lực thời vụ, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, đề án thu hút đầu tư trong lĩnh vực chế biến nông, lâm sản.

Với những tiềm năng và thuận lợi, đến nay, toàn tỉnh thu hút được 55 dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp với tổng vốn đăng ký đạt 5.663 tỷ đồng. Trong đó, có 39 dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp, 13 dự án đầu tư trồng rừng và 3 dự án đầu tư trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái. Các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp đều là các dự án đầu tư trong nước. Tỉnh đang duy trì 1.000 cơ sở sơ chế, bảo quản nông sản và 500 cơ sở chế biến nông sản, đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp, hợp tác xã. Một số nông sản được các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết xuất khẩu, như: Chuối, thanh long, mía tím, nhãn, chè khô, măng, tinh bột sắn, gỗ. Năm 2021, tỉnh đã xuất khẩu chính ngạch 1.326 tấn sản phẩm sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Trung Đông… thu về 1.000 tỷ đồng.

Sự đầu tư đúng hướng, hiệu quả trong công nghiệp chế biến đã đóng góp quan trọng vào tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Năm 2021, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản ước đạt 20.521 tỷ đồng, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng GRDP của ngành tiếp tục tăng, dự báo đến tháng 6 tăng 5,33%./.