DetailController

Kinh tế

Ước thiệt hại do thiên tai gây ra 9 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh trên 478 tỷ đồng

15/09/2022 00:00
Từ đầu năm 2022, các loại hình thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh như: Dông lốc, mưa lớn cục bộ, rét đậm, rét hại gây mưa vừa, mưa lớn, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét... đã gây thiệt hại trên địa bàn 10 huyện, thành phố của tỉnh Hòa Bình. Tính tới thời điểm này, thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh ước trên 478 tỷ đồng.
Mưa lớn gây sạt lở đê Đà Giang, cơ kè khu vực chân cầu Đen, phường Đồng Tiến, tp Hòa Bình

Trong đó, đã có 08 người chết và 01 người mất tích ; 01 người bị thương  (cơn bão số 02/2022 gồm 5 người chết), 01 người chết tại huyện Lương Sơn do lũ cuốn trôi trong đợt mưa lớn ngày 07 - 10/9/2022. 213 hộ dân bao gồm 814 người bị ảnh hưởng.

Tổng số nhà bị thiệt hại, di dời là: 466 nhà, trong đó: thiệt hại hoàn toàn trên 70% là 09 nhà, thiệt hại từ 50-70% là 11 nhà, thiệt hại từ 30-50% là 183 nhà, thiệt hại dưới 30% là 303 nhà, nhà phải di dời khẩn cấp là 02 nhà; nhà bị ngập nước là 39 nhà. Có 03 điểm trường, 06 công trình văn hóa bị thiệt hại. Diện tích nông, lâm nghiệp bị thiệt hại ước trên 1.323 ha; có trên 600 con gia súc, 1.145 con gia cầm bị chết.

Nhiều công trình thủy lợi bị hư hỏng nặng, như: Tuyến đê Đà Giang, đê Quỳnh Lâm; sạt lở 677m kênh, mương. Sạt lở 35m đường giao thông trung ương, sạt lở 377m đường giao thông địa phương. Sạt lở khu vực chân cầu Ngòi Mại, xã Hợp Thành, thành phố Hoà Bình nghiêm trọng có nguy cơ sập; một số điểm sạt lở nguy hiểm trên tuyến đường giao thông tại huyện Tân Lạc.

Bên cạnh đó, có 22 cột điện hạ thế, 3 cột điện trung và cao thế bị đổ, gãy; 01 công trình cấp nước bị hư hỏng. Thiệt hại nuôi cá truyền thống 19,02ha;Thiệt hại lồng, bề nuôi thủy sản 2,52m3; một số thiệt hại về thủy sản, ngư cụ, trang thiết bị khác.

Ước giá trị thiệt hại khoảng 478 tỷ đồng, trong đó, thiệt hại về nhà ở, sản xuất nông nghiệp trên 62,7 tỷ đồng; công trình bị hư hỏng do thiên tai (63 công trình đã cập nhật các công trình bị hư hỏng do ảnh hưởng tiếp tục của hoàn lưu cơn bão số 03 và mưa lớn từ ngày 07/9 - 10/9/2022) khoảng 415 tỷ đồng.

Để kịp thời hỗ trợ cho nhân dân sửa chữa nhà cửa, phục hồi sản xuất, khắc phục sửa chữa một số hạng mục cơ sở hạ tầng thiết yếu bị hư hỏng, UBND tỉnh đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống thiên tai và các Bộ ngành Trung ương xem xét, hỗ trợ kinh phí cho tỉnh Hòa Bình để khắc phục, phục hồi nhà cửa, sản xuất nông nghiệp, các hạng mục hạng mục cơ sở hạ tầng thiết yếu bị hư hỏng có nguy cơ mất an toàn, trong 8 tháng đầu năm 2022 (cập nhật đến 12/9/2022) và hỗ trợ kinh phí triển khai di dân ổn định dân cư vùng thiên tai với tổng kinh phí đề xuất trên 586 tỷ đồng, cụ thể: Hỗ trợ kinh phí để sửa chữa nhà cửa, khôi phục sản xuất nông nghiệp, hồ trợ giống cây trồng (ngô, lúa), vật nuôi... (80% giá trị thiệt hại): 50.192.000.000 đồng. Hỗ trợ kinh phí để khắc phục cấp bách các hạng mục cơ sở hạ tầng thiết yếu bị hư hỏng (63 hạng mục): 415.300.000.000 đồng. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ hạng mục: Sửa chữa, khắc phục khẩn cấp đê Đà Giang, đoạn cơ kè khu vực K0+00, K2+538; kè suối Chăm, thượng lưu cầu Đen, tổ 12, phường Đồng Tiến; Sửa chữa sạt lở khu vực cửa nước ra đoạn hạ lưu cầu Đúng, phường Tân Thịnh; Sửa chữa hồ Sòng Nước, xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thuỷ; Sửa chữa hệ thống hồ Rộc cằm, xã Sào Báy, huyện Kim Bôi. Hỗ trợ kinh phí cho tỉnh Hoà Bình để triển khai di dân khẩn cấp vùng thiên tai. Trước mắt, ưu tiên hỗ trợ kinh phí di dân khẩn cấp 302 hộ dân với tổng kinh phí đề xuất trên 120 tỷ đồng.

Xem xét hỗ trợ kinh phí để thực hiện các dự án trọng điểm về thiên tai trên địa bàn tỉnh như: Dự án đê ngăn lũ kết họp giao thông đường Pheo-Chẹ, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình (hiện tại đang triển khai thực hiện thiết kế cơ sở) và hệ thống đê bao Phú Cường; Hoàn thiện dự án hệ thống kè chống sạt lở bờ sông Đà thuộc các phường, xã, Trung Minh, Dân Hạ, Họp Thành, thành phố Hoà Bình; Nâng cấp mở rộng đê Quỳnh Lâm kết họp làm đường giao thông, đoạn từ K2+200 đến K3+926, thành phố Hòa Bình; Dự án hệ thống đê, kè phía bờ trái hạ lưu thủy điện kết họp giao thông, nhằm bảo vệ nhân dân và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hỗ trợ di chuyển dân ổn định lên bờ các phường Tân Hòa và Yên Mông, thành phố Hòa Bình.

Đề nghị Ban chỉ đạo Quốc gia xem xét, tiếp tục xuất cấp vật tư dự trữ phù hợp phục vụ phòng chống thiên tai tỉnh để ứng phó với thiên tai năm 2022. Hỗ trợ kinh phí để lắp đặt các trạm quan sát sạt lở, trượt lở, hệ thống cảnh báo trượt lở cho các khu vực trọng điểm sạt lở, lũ quét, lũ ống trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; xây dựng trạm cứu nạn, cứu hộ khu vực lòng hồ và hạ lưu sông Đà tỉnh Hòa Bình; mua sắm các vật tư, phương tiện, trang thiết bị tìm kiếm cứu hộ cứu nạn nhằm nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ trong công tác tìm kiểm cứu nạn tại các khu vực trọng điểm, đặc biệt là khu vực lòng hồ sông Đà và hạ du đập thủy điện Hòa Bình…/.