DetailController

Thời sự trong ngày

Ứng phó với diễn biến của mưa lũ do hoàn lưu bão số 7 và không khí lạnh gây mưa lớn trên địa bàn tỉnh

11/10/2021 00:00
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7, kết hợp gió mùa Đông Bắc trong những ngày qua trên địa bàn tỉnh có mưa vừa, mưa to đến mưa rất to, tính từ 10/10 đến 7h ngày 11/10 lượng mưa tại một số điểm như Thanh Hà, huyện Lạc Thủy 151 mm; Cao Răm, huyện Lương Sơn 182 mm; Độc Lập, thành phố Hòa Bình 191 mm; Tân Pheo, huyện Đà Bắc 191 mm; Hồ Cạn Thượng, huyện Cao Phong 194 mm, nguy cơ trượt lở đất đá và lũ về trên các sông, suối trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra bão Kompasu đang di chuyển nhanh về phía biển Đông có khả năng ảnh hưởng đến đất liền nước ta.

Để chủ động ứng phó với diễn biến của mưa lũ và sẵn sàng khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, ngày 11/10/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành văn bản số 1917/UBND-KTN về việc ứng phó với diễn biến của mưa lũ do hoàn lưu bão số 7 và không khí lạnh gây mưa lớn trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, Ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thực hiện: Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 12/01/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống mưa lũ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình năm 2021; Công văn số 1548/UBND-KTN ngày 27/8/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về chủ động ứng phó thiên tai, mưa lũ, bão lớn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Hoà Bình; Công văn số 2581/SNN-TL ngày 09/10/2021 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phòng chống ngập lụt, úng và đảm bảo an toàn công trình thủy lợi đề phòng mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 7 ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai, thời tiết của các cơ quan chuyên môn, đài phát thanh truyền hình tỉnh, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh diễn biến tình hình thời tiết tại địa phương, kịp thời hướng dẫn, thông tin đến các cấp chính quyền, người dân để chủ động các biện pháp phòng, tránh phù hợp trong những ngày tới.

Khẩn trương kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập, khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt khi mưa lớn, khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có tình huống nguy hiểm; xử lý vật cản gây tắc nghẽn dòng chảy để giảm nguy cơ xảy ra ngập úng cục bộ, lũ ống, lũ quét khi mưa lớn, nhất là trên các suối, khe cạn, các ao hồ trữ nước của các hộ dân. Tổ chức khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra sớm ổn định đời sống người dân và sản xuất trên địa bàn. Chủ động triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; cắt cử lực lượng hướng dẫn giao thông, lắp đặt rào chắn tại các ngầm tràn, khu vực trọng điểm; tuyên truyền, triển khai các biện pháp không để người dân vớt củi trên sông, suối khi mưa lũ; chủ động bố trí lực lượng, đặc biệt lực lượng xung kích cấp xã, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính. Đối với các điểm sơ tán, di dân tập trung phải đảm bảo an toàn 02 mục tiêu phòng, chống thiên tai và dịch Covid-19 cho người dân, các lực lượng tham gia phòng, chống thiên tai tại khu vực ảnh hưởng của bão, mưa, lũ, sạt lở đất, lũ quét theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Công văn số 1548/UBND-KTN ngày 27/8/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

Sở Giao thông Vận tải rà soát, đôn đốc công tác đảm bảo an toàn cho phương tiện và người tham gia giao thông; kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu; phối hợp với các địa phương bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính. Sở Công Thương rà soát, đôn đốc công tác bảo đảm an toàn hồ đập thuỷ điện, đặc biệt là các thủy điện nhỏ; kiểm tra công tác bảo đảm an toàn đối với hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản; đảm bảo an toàn và sẵn sàng khôi phục kịp thời hệ thống điện khi có sự cố. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh chủ động rà soát, chuẩn bị sẵn lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để triển khai thực hiện công tác ứng phó thiên tai, tổ chức cứu hộ, cứu nạn kịp thời, phù hợp khi có yêu cầu. Sở Y tế phối hợp với các địa phương chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là các khu vực sơ tán tập trung, khu cách ly; chỉ đạo đảm bảo an toàn và tạo điều kiện cho lực lượng phòng, chống thiên tai thực hiện nhiệm vụ. Các Sở, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao, chỉ đạo triển khai các biện pháp sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra; Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các địa phương được phân công phụ trách trong công tác phòng, chống thiên tai.

Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hòa Bình và các cơ quan truyền thông địa phương tăng cường thời lượng phát sóng, truyền tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về diễn biến của mưa lũ và công tác chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả. Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hòa Bình theo dõi sát tình hình, diễn biến của bão và mưa lũ trên địa bàn tỉnh; kịp thời đưa ra các bản tin cảnh báo, dự báo về thiên tai gửi các cơ quan phòng chống thiên tai.

Tổ chức trực ban nghiêm túc, báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh qua Văn phòng thường trực (điện thoại: 02189852309 hoặc 02183897650; email: thuyloihb@gmail.com), trước 15h30 hàng ngày và ngay khi có tình huống đột xuất để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai./.