Đặc biệt, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ KHCN cho các doanh nghiệp. Thời gian qua, tỉnh đã thực hiện kết nối cho nhiều doanh nghiệp tiếp cận và tham gia các chương trình cung - cầu công nghệ, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong tỉnh. Trong quá trình chuyển giao công nghệ, nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp được thực hiện như: Tư vấn công nghệ, thẩm định công nghệ, các vấn đề pháp lý, kết nối nguồn lực tài chính cho doanh nghiệp. Nhiều công nghệ sau khi được chuyển giao phát huy hiệu quả, phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tăng lợi nhuận và khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa.
Qua khảo sát các công nghệ được doanh nghiệp sử dụng trên địa bàn tỉnh hiện nay, hơn 40,8% số doanh nghiệp sử dụng máy móc thiết bị quan trọng có nguồn gốc từ Hàn Quốc, 27% từ Trung Quốc, 22,4% từ Việt Nam, 16,9% từ Nhật, 15,2% từ Đài Loan, còn lại là các quốc gia khác.
Đối với các doanh nghiệp công nghệ, hoạt động đầu tư và phát triển của doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, việc huy động các nguồn vốn đầu tư cho KHCN từ khu vực doanh nghiệp là giải pháp cần thiết, trong đó, quỹ phát triển KHCN trong doanh nghiệp là một phương thức quan trọng. Từ nguồn quỹ đầu tư cho hoạt động KHCN nhằm nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, hợp lý hoá sản xuất của doanh nghiệp. Trên địa bàn tỉnh hiện có 9 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KHCN, các doanh nghiệp này đã thành lập quỹ phát triển KHCN.
Tuy nhiên, việc đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều cần được quan tâm, đầu tư. Máy móc, thiết bị được sử dụng chủ yếu là loại do người điều khiển, tỷ lệ máy móc thiết bị do máy tính điều khiển còn khiêm tốn. Về mặt công nghệ, số liệu điều tra cho thấy, 85% các loại máy móc thiết bị này thuộc loại máy móc thiết bị do người điều khiển, 15% là dạng máy móc do máy tính điều khiển. Hệ thống máy móc thiết bị của các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng của tỉnh chưa hiện đại, rất ít công nghệ đến từ các nước phát triển. Tuổi thọ của các máy móc phần lớn đã được sản xuất trên 10 năm, thậm chí có những thiết bị trên 20 năm. Đối với việc điều chỉnh các công nghệ, máy móc thiết bị, chỉ có 14% doanh nghiệp có tiến hành hoạt động này nhằm tăng hiệu quả, giúp máy móc vận hành tốt hơn. Còn lại các doanh nghiệp hầu như không có hoạt động điều chỉnh thiết bị, công nghệ máy móc cho phù hợp với sản xuất. Qua khảo sát, 100% các doanh nghiệp được khảo sát cho biết không có bằng phát minh sáng chế hay không tham gia phối hợp nghiên cứu nào.
Nhằm nâng cao hiệu quả, tăng cường sự đóng góp của KHCN trong tăng trưởng kinh tế, phát triển lĩnh vực mũi nhọn, khâu đột phá trong tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thời gian tới, tỉnh tập trung phát triển KHCN dựa trên nền tảng sẵn có, kết hợp với nền tảng KHCN quốc gia, từ đó nhằm giảm thiểu chi phí, tiết kiệm nguồn lực cho phát triển KHCN của tỉnh. Tạo điều kiện để hoạt động KHCN và các sản phẩm KHCN được chấp nhận, ứng dụng rộng rãi. Khuyến khích các hoạt động đổi mới sáng tạo. Huy động các nguồn lực trong phát triển KHCN, đặc biệt là các nguồn lực từ khu vực kinh tế tư nhân và FDI. Thúc đẩy nhanh lộ trình đổi mới công nghệ. Chuyển giao, làm chủ những công nghệ mới, hỗ trợ nghiên cứu triển khai, cải tiến công nghệ, hoàn thành công nghệ mới phù hợp yêu cầu của tỉnh, tạo ra sản phẩm hàng hoá có khả năng cạnh tranh. Xây dựng, phát triển nguồn lực KHCN đủ mạnh, đảm bảo đủ khả năng tiếp thu, ứng dụng, làm chủ và phát triển công nghệ hiện đại, tiên tiến, đủ sức tổ chức nghiên cứu và giải quyết những nhiệm vụ KHCN trọng điểm của tỉnh. Phấn đấu mức đầu tư cho KHCN tăng dần qua các năm, đạt ít nhất 2% tổng chi ngân sách địa phương vào năm 2025./.