Cách đây hơn 10 năm, anh Bùi Văn Thiêng ở Phố Bưởi, xã Hạ Bì, huyện Kim Bôi được người dân nơi đây gọi là “Thiêng hâm”, bởi ngày nào họ cũng thấy anh vác cuốc, xẻng vào bãi chăn thả trâu bò bỏ hoang của xã từ sáng đến tối lặn mặt trời mới về. Đất ở đây, phần sỏi nhiều hơn phần đất đến cây cỏ cũng chẳng mọc được. Nhưng mặc cho lời qua tiếng lại của dân làng, anh đã cùng vợ quyết tâm cải tạo và khai hoang trồng 7 ha cây ăn quả, cây lấy gỗ, chăn nuôi gia súc, gia cầm và ao thả cá...mỗi năm mang lại cho gia đình anh nửa tỷ đồng.
Bên ngôi nhà sàn khang trang giữa không gian xanh mướt của cây trái, anh Thiêng tâm sự: Năm 1997, cuộc sống gia đình vô cùng khó khăn trong khi các con còn nhỏ, chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng khoán, cái đói, cái nghèo quanh năm đeo bám. Quyết tâm không chịu đói, nghèo anh đã mạnh dạn nhận thầu 7 ha đất hoang của xã Hạ Bì, huyện Kim Bôi để sản xuất. Lúc này, cải tạo đất để kiếm cái ăn lại khiến cho anh đau đầu mất một thời gian dài. Sau nhiều đêm trằn trọc, nghiên cứu, học hỏi trong sách vở, báo chí đến bỏ tiền đi khắp các vùng miền tìm giống, học cách làm trang trại..., cuối cùng mô hình vườn- ao- rừng đã xuất hiện trong ý tưởng của anh. Thời gian đầu, do chưa có vốn nên anh trồng ngô lai và giống dứa Tàu trên toàn bộ diện tích nhưng đều không hiệu quả. Là người cán bộ lâm nghiệp của huyện Kim Bôi đã nhiều năm gắn bó với rừng nên anh Thiêng cũng có ít nhiều kinh nghiệm trong cấy ghép giống. Do đó, năm 2000 anh bắt đầu chuyển sang trồng mía tím và làm vườn ươm các loại cây giống như: tre Bát Độ, luồng, dổi, lát, keo...bán cho các Dự án và nhân dân quanh vùng. Dần dần, có tiền anh bắt đầu đầu tư để cải tạo đất, cùng với chút vốn của gia đình anh huy động bạn bè và vay thêm ngân hàng 250 triệu đồng, thuê xe ô tô chở đất màu về san lấp lên diện tích sỏi đá rồi xin rơm, mùn cưa phủ lên để tạo thêm mùn.
Sau khi cải tạo đất xong, qua tìm hiểu anh được biết giống nhãn Hưng Chi và nhãn lồng Hưng Yên đem lại hiệu quả kinh tế cao, anh mua về trồng thử 3 ha nhãn. Sau 2,3 năm thì nhãn Hưng Chi cho năng suất cao hơn hẳn nên anh đã chiết và ghép nhãn lồng vào nhãn Hưng Chi. Vì đây là loại nhãn có cùi dày, giòn, ngọt, hạt nhỏ nên khách hàng vào tận vườn đặt mua, diện tích đất còn lại anh trồng toàn bộ giống soài (N1) Yên Bái, Thanh Long và Keo. Hiện giờ, anh đã có 700 gốc nhãn Hưng Chi, 250 gốc soài, trên 100 gốc Thanh Long ruột đỏ, hơn 2 ha keo 3 năm tuổi và 2.000 m2 vườn ươm cây giống. Để có nước tưới cây, anh đã đào 3 ao với hệ thống dẫn nước ngầm từ suối về dài 900m rồi tận dụng nuôi thả các loại cá như trắm, trôi, mè, rô đơn tính.... Bên cạnh đó, để phục vụ chăn nuôi, nhằm lấy ngắn nuôi dài anh trồng các loại cây tầng dưới như: khoai lang, khoai sọ, sắn xen lẫn gừng, xả...và tận dựng vườn cây có bãi thả, anh nuôi trên 300 con gà ri, xây 10 ô chuồng nuôi lợn đảm bảo vệ sinh với hơn 50 con lợn mường vừa lái vừa thịt, một con lợn đực giống lợn lòi để chủ động nguồn giống thuần chủng.
Với sự nỗ lực, mạnh dạn, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm nên mô hình trang trại tổng hợp của gia đình anh Bùi Văn Thiêng đã thành công và đem lại nguồn thu trên 500 triệu đồng/năm. Có nguồn thu từ việc làm trang trại chăn nuôi, trồng trọt nên gia đình anh đã mua được xe ô tô hiệu Camry và sắm đầy đủ trang thiết bị cần thiết trong gia đình. Hiện tại, trang trại của gia đình anh đang tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động địa phương với thu nhập 2 triệu đồng/tháng, lao động thời vụ khoảng 50 người. Ngoài ra anh còn giúp đỡ bà con trong xóm, xã về vốn, cây, con giống và kỹ thuật để cùng nhau mở hướng làm giàu. Vì vậy, nhiều năm liên tục gia đình anh được công nhận là hộ sản xuất kinh doanh giỏi và được tham dự nhiều Hội nghị thi đua tiên tiến tiêu biểu ở trong và ngoài tỉnh ./.