DetailController

Khoa học - Môi trường

Tuyên truyền, phổ biến các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng gây ô nhiễm môi trường, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực trồng trọt

12/06/2023 16:30
Ngày 9/6/2023, Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành Công văn số 1476/SNN-TTBVTV gửi UBND các huyện, thành phố về việc tuyên truyền, phổ biến các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng gây ô nhiễm môi trường, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực trồng trọt.

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại công văn số 405/UBND-KTN ngày 28 tháng 3 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải; Quyết định số 1693/QĐ-BNN-KHCN ngày 28 tháng 4 năm 2023 của Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn phê duyệt Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (bao gồm kế hoạch giảm phát thải khí mê-tan) ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.

Tại tỉnh Hòa Bình, diện tích cây trồng hàng năm khoảng 120 nghìn ha, sau mỗi vụ thu hoạch lượng phụ phẩm cây trồng còn lại trên đồng ruộng là rất lớn, ước đạt trên 500 nghìn tấn trong đó kể đến lượng lượng lớn từ phế phụ phẩm sản xuất lúa (rơm rạ) đạt trên 190 nghìn tấn; các phụ phẩm trong trồng trọt được dùng sản xuất viên nén, cồn công nghiệp, phát điện sinh khối, làm đệm lót sinh học chăn nuôi, phân hữu cơ,... Tuy nhiên, bên cạnh những điều tích cực, sản xuất nông nghiệp cũng là một nguồn gây phát thải, tập trung ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, quản lý đất, sử dụng phân bón...; trong đó, gần 70% phát thải CO2 đến từ các hoạt động trồng trọt ảnh hưởng đến môi trường và gây mất cân bằng hệ sinh thái nông nghiệp.

Nhằm tuyên truyền, phổ biến các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng gây ô nhiễm môi trường, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực nông nghiệp; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị:

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Chỉ đạo UBND cấp xã, cơ quan chuyên môn phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể tại địa phương thực hiện tuyên truyền, vận động người dân thu gom, quản lý và tái sử dụng phụ phẩm cây trồng.

Thực hiện chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang lúa - thủy sản và cây trồng cạn nâng cao hiệu quả kinh tế, phù hợp với điều kiện địa phương.

Đầu tư nâng cấp hạ tầng thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng đáp ứng kỹ thuật tưới tiên tiến, hiện đại, đồng bộ, khép kín cho các khu vực sản xuất lúa tập trung, phù hợp với từng vùng sinh thái nông nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất lúa và giảm phát thải khí nhà kính, khí mê-tan.

Mở rộng việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác và quản lý cây trồng tổng hợp cho lúa và cây trồng cạn (các biện pháp quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), canh tác lúa cải tiến (SRI), 3 giảm 3 tăng (3G3T), 1 phải 5 giảm (1P5G), tưới nước tiết kiệm v.v.).

Thay thế phân đạm Ure bằng các loại phân bón chậm tan, phân bón tan có điều khiển, phân phức hợp chất lượng cao, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón giảm phát thải khí nhà kính.

Khuyến khích sử dụng chế phẩm vi sinh vật, sinh học, ứng dụng tiến bộ công nghệ, kỹ thuật mới trong quá trình xử lý phụ phẩm nông nghiệp.

Nhân rộng các mô hình nông, lâm kết hợp để nâng cao trừ lượng các-bon và bảo tồn đất; xây dựng và khuyến khích nhân rộng các lớp đào tạo nghề, các mô hình canh tác gắn liền với phát triển nông nghiệp tuần hoàn thích ứng với biển đổi khí hậu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường sinh thái.

Các đơn vị thuộc Sở: Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông thường xuyên bám sát cơ sở, chủ động hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương thực hiện thu gom, quản lý và tái sử dụng phụ phẩm cây trồng; hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn hiệu quả theo nguyên tắc 4 đúng, kỹ thuật sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả. Xây dựng, triển khai các mô hình thu gom, quản lý và tái sử dụng phụ phẩm cây trồng làm cơ sở khuyến cáo các địa phương.

Trên đây là một số nội dung tuyên truyền, phổ biến các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng gây ô nhiễm môi trường, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực nông nghiệp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đề nghị Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố; các đơn vị có liên quan phối hợp chỉ đạo thực hiện./.