DetailController

Kinh tế

Tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về động vật hoang dã của người dân, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính trên địa bàn

22/09/2022 00:00
Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) là một tổ chức xã hội trực thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) với nhiệm vụ bảo vệ đa dạng sinh học của đất nước thông qua việc hỗ trợ các cơ quan chức năng tăng cường thể chế, chính sách và thực thi pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD). Từ năm 2005 đến nay, ENV đã và đang hỗ trợ các cơ quan chức năng giám sát, xử lý các vi phạm liên quan đến ĐVHD, đồng thời quản lý đường dây nóng 18001522 hỗ trợ báo cáo vi phạm về ĐVHD tới cơ quan chức năng và duy trì Cơ sở dữ liệu vi phạm về ĐVHD với khoảng hơn 24.000 vụ việc tính đến thời điểm hiện tại.

Qua quá trình phối hợp với cơ quan chức năng trong công tác xử lý vi phạm về ĐVHD, thời gian vừa qua, ENV đã ghi nhận khá nhiều trường hợp các đối tượng lợi dụng Internet và kênh bưu chính để quảng cáo, kinh doanh, vận chuyển trái phép các cá thể, bộ phận, sản phẩm của các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm được bảo vệ theo quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế. Các sản phẩm ĐVHD thường bị quảng cáo, buôn bán và vận chuyển trái phép qua đường bưu chính là ngà voi, sừng tê giác, vảy tê tê, nanh và móng của các loài gấu, hổ - đây là hàng cấm” theo quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư năm 2020 và Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP). 

Theo quy định tại Điều 7, Điều 8 Luật Quảng cáo năm 2012, một trong những hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo là quảng cáo “hàng hóa cấm kinh doanh” (hàng cấm). Theo quy định tại Điều 33 Nghị định 38/2011/NĐ-CP, hành vi quảng cáo “hàng cấm” có thể bị xử phạt từ 70-100 triệu đồng. Bên cạnh đó, Điều 12 Luật Bưu chính năm 2010 quy định vật phẩm, hàng hoá không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính bao gồm: Vật phẩm, hà phẩm, hàng hóa mà Việt Nam cấm xuất khẩu, quốc gia nhận cấm nhập khẩu (đối với hàng hóa từ Việt Nam gửi đi) và vật phẩm, hàng hóa, cấm lưu thông theo đường bưu chính theo quy định của pháp luật. Khoản 3, khoản 1 Điều 4 Luật Bưu chính 2010 quy định về quyền và nghĩa vụ doanh nghiệp bưu chính bao gồm: “Kiểm tra nội dung gói, kiện hàng hoá trước khi chấp nhận” và “Từ chối cung ứng dịch vụ bưu chính nếu phát hiện bưu gửi vi phạn quy định tại Điều 12 của Luật này và quy định về điêu kiện cung ứng dịch vụ bưu chính của doanh nghiệp". Đồng thời, một trong những trách nhiệm của người gửi hàng trước khi sử dụng dịch vụ bưu chính là phải cung cấp thông tin về nội dung gói, kiện hàng hóa, cung cấp các giấy tờ đi kèm khi vận chuyển theo quy định tại khoản 2 Điều 15b Nghị định 47/2011/NĐ-CP. Cũng theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 15/2020/NĐ-CP”, trong trường hợp có phát hiện bưu gửi, kiện gửi có hàng cấm lưu thông, cấm sử dụng theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính sẽ bị xử phạt hành chính từ 10-20 triệu đồng. Trường hợp nhân viên bưu chính cố tình thực hiện hành vi vận chuyển trái phép hàng cấm hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử phạt vi phạm hành chính tùy theo loài, tính chất, mức độ của hành vi vi phạm theo các quy định có liên quan về ĐVHD. 

Hiện nay, công tác xử lý vi phạm về ĐVHD nói chung, đặc biệt là hoạt động quảng cáo, buôn bán ĐVHD trái phép trên Internet được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh trong Chỉ thị số 29/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách quản lý ĐVHD. Để góp phần ngăn chặn tình trạng quảng cáo, buôn bán trái phép ĐVHD trên Internet và vận chuyển trái phép ĐVHD qua các kênh bưu chính, các ngành, địa phương cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành các quy định pháp luật về  ĐVHD cho người dân, các doanh nghiệp, nhân viên bưu chính để không quảng cáo, buôn bán, vận chuyển ĐVHD trái phép nhằm tránh các hậu quả pháp lý đáng tiếc.

Kiên quyết xóa bỏ các nội dung quảng cáo, buôn bán ĐVHD trái phép trên Internet, cũng như lý nghiêm các vi phạm về ĐVHD phát hiện trong hoạt động bưu chính thuộc phạm vị thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật.

Yêu cầu các doanh nghiệp bưu chính niêm yết công khai bằng các hình thức khác nhau) về các loại hàng hóa cấm vận chuyển qua đường bưu chính trong đó có ĐVHD là hàng cấm cũng như hướng dẫn cụ thể các điều kiện để vận chuyển ĐVHD theo quy định của pháp luật trong trường hợp ĐVHD không phải là hàng cấm (ENV sẵn sàng hỗ trợ cung cấp thông tin các quy định pháp luật có liên quan).

Khuyến cáo các doanh nghiệp, nhân viên bưu chính thực hiện nghiêm túc quy định tại Luật Bưu chính trong việc kiểm tra thông tin gói, kiện hàng và thông báo đến các cơ quan chức năng nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu về hàng hóa là cá thể, sản phẩm, bộ phận ĐVHD nói riêng và hàng hóa là hàng giả, hàng cấm nói chung, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc cung cấp thông tin khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật.

Hỗ trợ, chia sẻ danh sách, địa chỉ và thông tin liên lạc với ENV về các doanh nghiệp kinh  doanh dịch vụ bưu chính trên địa bàn để ENV trực tiếp chia sẻ các tài liệu, ấn phẩm truyền thông về bảo vệ ĐVHD đến các doanh nghiệp này trong nỗ lực bảo vệ ĐVHD./.