DetailController

Văn hóa

Tục lệ thờ thần Chuột của người Dao Tiền

25/11/2013 00:00
Phiên chợ vùng cao những ngày diễn ra Lễ hội văn hóa, thể thao và du lịch khu vực Tây Bắc lần thứ 12 (tổ chức tại Hòa Bình) đã thu hút rất đông du khách đến tham quan, mua sắm. Đặc biệt tại gian trưng bày ẩm thực dân tộc với những món ăn độc đáo như: thịt chuột khô, xôi nhiều mầu, rượu hoãng, mâm cỗ lá... được nhiều thực khách quan tâm. Người Dao Tiền, xã Tân Pheo (Đà Bắc) cũng đem đến phiên chợ món thịt chuột khô. Được biết, đây là món ăn đặc sản và cũng là thứ không thể thiếu trong mâm cúng Tết của người Dao Tiền.
Món thịt chuột khô của người Dao được bày bán tại Phiên chợ vùng cao.

Người Dao Tiền ở xã Tân Pheo, Đà Bắc có tập tục thờ chuột. Dân bản lập hẳn một ngôi miếu thờ thần chuột. Ông Bàn Văn Thắng, 75 tuổi, người Dao Tiền xã Tân Pheo cho biết: Tương truyền kể lại rằng, xưa kia tổ tiên của người Dao Tiền khi mới di cư đến vùng núi Đà Bắc, họ thường xuyên phải chịu đói vì thức ăn vô cùng khan hiếm. Nhưng người dân ở xóm Bương thì phát hiện khu rừng xung quanh lại nhiều vô số chuột. Vì vậy, để thoát khỏi cái đói, cái rét lúc bấy giờ, người dân làng đã săn bắt chuột để ăn cho qua bữa. Đến sau này khi đời sống phát triển, không quên thuở đói, rét khi xưa, bà con dân làng đã lập miếu thờ thần chuột. Việc thờ cúng thần chuột chung cho cả bản được tiến hành tại miếu thờ vào ngày mùng 2 tết Nguyên đán và các ngày lễ lớn trong năm như lễ cầu mùa (tháng 5), cơm mới (tháng 9). Trong các ngày lễ này, trên mâm cúng của người Dao Tiền không thể thiếu món thịt chuột. Thịt chuột được dùng làm lễ vật dâng lên thần chuột, tổ tiên, ma làng và các thần linh nhằm cầu mong sự sung túc, mạnh khỏe, may mắn cho cả gia đình và cả bản.

Miếu thờ thần chuột được đặt trên một ngọn đồi cao ở đầu bản. Theo quan niệm của họ, miếu thờ thần chuột có hai ý nghĩa, vừa thờ thần chuột là con vật linh thiêng của dân bản, vừa thờ các ma làng để cầu mong sự may mắn. Vì vậy miếu phải được làm ở chỗ cao ráo, thoáng mát, ít người qua lại, người dân không được tự ý đi vào, không được thả trâu bò xung quanh miếu, như thế mới thể hiện được sự tôn nghiêm, thần chuột và các ma làng mới có chỗ yên tĩnh để nghỉ ngơi mà không bị quấy nhiễu.

Theo người Dao tiền quan niệm, chuột dùng để làm lễ vật thờ cúng tổ tiên và vị “thần chuột” phải là chuột rừng được để nguyên con, không được làm mất đi các bộ phận quan trọng. Vì vậy, từ việc chế biến cũng như bảo quản thịt chuột khô phải được tiến hành rất cẩn thận. Thường thì người đàn ông hoặc người chủ trong gia đình sẽ là người trực tiếp được tham gia cúng lễ. Người Dao tiền cũng cho rằng: Trong những dịp lễ, Tết quan trọng mà nhà nào không bắt được chuột rừng để làm lễ thì phải đi mua, nếu không năm đó sẽ không được tổ tiên phù hộ, làm ăn không gặp may mắn. Không chỉ thờ thần chuột ở ngôi miếu, những hộ dân ở bản Bương đều có một bàn thờ thần chuột cùng với bàn thờ ông bà, tổ tiên.

Để chuẩn bị cho mỗi dịp lễ, tết và phiên chợ, nhiều gia đình còn sấy chuột trên gác bếp suốt cả năm. Cũng có khi gặp khách quý, chủ nhà sẽ lấy chuột khô trên gác bếp xuống để chế biến và mời thực khách. Ngày nay, dù đời sống của người bản Bương, xã Tân Pheo ngày càng ấm no, hạnh phúc. Song điều đáng quý nhất ở đây là những nghi lễ truyền thống vẫn được giữ tròn nguyên vẹn. Tục lệ săn chuột vẫn được lưu truyền. Đối với người Dao Tiền không có thứ thịt nào thay thế được thịt chuột trong mâm cơm cúng của họ. Món thịt chuột sấy khô cũng trở thành món ăn đặc sản của người Dao tiếp đãi bạn bè./.