Hiệu phó Trường Tiểu học Xuân Phong Nguyễn Thanh Toàn cho biết, hiện nay toàn trường có 283 học sinh (282 học sinh người dân tộc Mường), trong đó có hơn 100 học sinh ở bốn xóm thuộc vùng 135 nên việc đầu tư cho con em ăn học còn gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2009 công đoàn ngành giáo dục huyện Cao Phong triển khai cuộc vận động “mỗi thầy cô giáo nhận đỡ đầu một học sinh có hoàn cảnh khó khăn” để phần nào giúp các em vươn lên trong học tập. Ngay sau khi phát động phong trào, nhà trường đã có kế hoạch triển khai đến tất cả các thầy cô giáo. Trong đó tập trung vào vận động, tuyên truyền đến tất cả cán bộ, công chức, giáo viên thể hiện tấm lòng tương thân, tương ái nhằm giúp các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang theo học tại trường. Từ thực tế đó, nhà trường đã tổ chức rà soát, tìm hiểu hoàn cảnh khó khăn của từng em học sinh và sau đó đưa ra chỉ tiêu mỗi cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong nhà trường đỡ đầu tối thiểu một em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trở lên, bảo đảm “ba đủ” (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở) đến trường. Theo đó những nội dung hỗ trợ cụ thể như động viên về mặt tinh thần, vật chất (sách vở, đồ dùng học tập, quần áo, quà Tết…). Bên cạnh đó, các thầy cô giáo nhận đỡ đầu cũng luôn luôn gần gũi học sinh, chỉ bảo tận tình trong học tập. Vì vậy, những năm gần đây phong trào này đã thực sự đi vào nền nếp, những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn đều được sự hỗ trợ của các thầy cô trong mọi lĩnh vực. Từ năm 2009 đến nay, các thầy cô giáo trong nhà trường đã nhận đỡ đầu cho hơn 150 học sinh có hoàn cảnh khó khăn đang theo học tại trường, riêng năm học này có 35 em được nhận đỡ đầu. Điều đáng ghi nhận là tư khi được nhận đỡ đầu, học lực của các em học sinh đã nâng lên rõ rệt. Ngoài việc nâng cao chất lượng toàn diện thì các em cũng được nâng cao nhận thức trong xã hội, bỏ qua được các mặc cảm, tự ti và tự tin hơn trong học tập.
Trong số các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn đã và đang theo học tại trường thì mỗi em có một hoàn cảnh riêng. Em thì mất bố, mất mẹ hoặc mất cả bố lẫn mẹ. Em thì gia đình nghèo thuộc vùng khó khăn 135… Tuy nhiên, dù hoàn cảnh như thế nào các em vẫn khát khao tình thương, hơi ấm gia đình, có cả cha lẫn mẹ động viên hay đủ ăn hàng ngày để chăm chú việc học hành. Những tưởng, với các em điều đó là một “giấc mơ” khó thành hiện thực nhưng khi được các thầy cô giáo tại trường nhận giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần thì như cuộc đời đã “sang trang”. Đối với các em, các thầy cô giáo tại trường không chỉ đơn thuần là người thầy, người cô dạy bảo học hành mà còn là người cha, người mẹ thứ hai nuôi, dạy các em lớn khôn. Là học sinh có học lực luôn nằm trong tốp đầu của lớp nhưng với em Bùi Tuấn Anh lại có hoàn cảnh khá éo le khi bố mẹ đều mất sớm khi mới sinh được vài tháng. Em cho biết, bố mẹ em đều mất sớm, hiện nay em phải sống cùng với chú. Mặc dù kinh tế không đến nỗi khó khăn, nhưng trước đây em hay mặc cảm về hoàn cảnh gia đình, ít giao lưu với bạn bè. Nhưng từ khi bước vào lớp 1, được các thầy, cô giáo trong nhà trường quan tâm nhận đỡ đầu, động viên về mặt tinh thần dần dần em cũng bỏ qua được mặc cảm về gia đình. Để đáp lại công ơn em luôn luôn cố gắng chăm ngoan, học tập thật giỏi, nghe lời ông bà, chú thím nuôi dạy và các thầy cô tại trường. Em Bùi Thị Huế lớp 5A ở xóm Rú 6 chia sẻ, nhà em nghèo lắm, gia đình có hai chị em, em là chị cả nên hàng ngày ngoài việc đi học còn ở nhà giúp bố mẹ trông em, dọn dẹp nhà cửa nên học lực còn kém. Từ khi được các thầy cô giáo nhận đỡ đầu em đã cố gắng vươn lên học tập tốt, hòa đồng với bạn bè và tự tin trong cuộc sống.
Dù hoàn cảnh của một số thầy cô giáo tại trường cũng còn gặp khó khăn nhưng với tấm lòng thương học trò họ vẫn nhiệt tình, xung phong giúp đỡ để giảm bớt đi phần nào gánh nặng cho gia đình các em. Như thầy giáo Bùi Trọng Kiên nhà ở xóm 135 của xã, vợ làm nông nghiệp, con còn nhỏ, mẹ thường xuyên ốm đau kinh tế gia đình dựa vào đồng lương giáo viên ít ỏi nhưng thầy giáo vẫn xung phong để nhận đỡ đầu một em học sinh. Thầy thường xuyên đến tận nhà học sinh để hỏi thăm, động viên gia đình cũng như trích một phần tiền lương để mua quà nhân các ngày lễ, Tết cho các em.
Đối với mỗi thầy cô giáo, niềm vui lớn nhất là các em học sinh của mình chăm ngoan, học giỏi đó là phần thưởng đáng giá nhất. Nhưng ở Trường Tiểu học Xuân Phong thì niềm vui đó như được nhân đôi khi từng ngày thấy các em học sinh của mình nhận đỡ đầu trưởng thành cũng như bỏ qua được các mặc cảm, thành kiến về gia đình để vươn lên trong học tập.