DetailController

 

">

 

">

Sức khỏe - Đời sống

Trở lại xóm “tê tê say say”

11/05/2010 00:00

Kể từ ngày bùng phát bệnh "tê tê say say" vào tháng 9/2006 đến nay đã gần 4 năm trôi qua nhưng những người dân ở xóm Cành - xã Bình Chân (Lạc Sơn - Hoà Bình) vẫn không khỏi lo lắng, đời sống của người dân đã nghèo khó giờ lại càng khó khăn hơn

 

Anh Trịnh và các con

Từ trung tâm huyện Lạc Sơn về xóm Cành, xã Bình Chân chỉ gần 10 km nhưng chúng tôi phải mất gần 1 giờ đồng hồ mới  vượt qua được con đường đất gồ ghề ổ gà, ổ voi. Gia đình đầu tiên chúng tôi gặp là anh Quách Văn Trịnh (27 tuổi ở xóm Cành 1), một trong những gia đình có cả nhà 12 người đều mắc bệnh "tê tê say say". Năm 2006, vợ anh là chị Bùi Thị Hảnh cũng đã chết trong đợt bùng phát bệnh "tê tê say say" khi mới 24 tuổi, bỏ lại cho anh con nhỏ và bố mẹ già. Trong ngôi nhà sàn tuềnh toàng, xiêu vẹo, gia đình anh không còn nổi một tải thóc. Không biết thời gian tới, gia đình anh sẽ sống ra sao? Hàng ngày mọi người trong gia đình vừa đi làm, lại vừa phải lo bệnh trong mình. Bao nhiêu tiền của trong gia đình đã phải lo hết vào tiền thuốc thang. Anh Trịnh tâm sự: Cả nhà em đều mắc bệnh "tê tê say say", em lo lắng lắm. Cái ăn còn phải chạy từng bữa, nếu cứ phát bệnh mãi, gia đình em cũng chẳng biết lấy tiền đâu mà mua thuốc, chỉ khổ mấy đứa nhỏ vừa đói lại vừa phải chịu bệnh tật.

Rời nhà anh Trịnh, chúng tôi đến thăm gia đình ông Bùi Văn Đồn (52 tuổi, xóm Cành 1, xã Bình Châu, Lạc Sơn, Hoà Bình), gia đình ông cũng là một trong những hộ có người chết trong đợt bùng phát bệnh "tê tê say say" và hiện tại, gia đình ông có 6 người mắc bệnh. Dù vợ chồng ông đã ở vào cái tuổi ngũ tuần nhưng vẫn là lao động chính trong gia đình. Hầu như tuần nào ông cũng phát bệnh một lần. Khi nào phát bệnh, ông mới lên trạm y tế xã để tiêm hoặc mua thuốc. Thấy vậy, chúng tôi vội hỏi: Gia đình thường xuyên phát bệnh như vậy sao không mua thuốc về để dự phòng? "Ngoài trông chờ vào mấy sào ruộng và ít đất đồi, năm vừa rồi lại mất mùa, ăn còn chưa đủ thì lấy đâu ra tiền mà mua thuốc" - ông trả lời mà như mếu.

Bệnh bước đầu đã được kiểm soát

Anh Bùi Văn Hồng, Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng huyện Lạc Sơn cho biết thêm: Tuy trong 2 năm 2008-2009, bệnh “tê tê say say” đã được kiểm soát và cả xóm Cành không có người mắc bệnh mới, nhưng bệnh vẫn diễn biến rất phức tạp. Xác định như vậy nên vào các mùa dịch (thường vào tháng 3 đến tháng 6 và từ tháng 8 đến tháng 10), Phòng y tế lại chỉ đạo Trung tâm y tế dự phòng phối hợp với Trạm y tế xã cùng các y tế thôn, bản xuống nắm bắt tình hình bệnh dịch. Ngoài ra, Trung tâm y tế dự phòng giao cho Trạm y tế xã Bình Chân phải cử người giám sát thường xuyên nhằm phát hiện bệnh sớm để cứu chữa kịp thời.

Thường thì thời gian từ lúc phát bệnh đến lúc tử vong của người bệnh diễn ra rất nhanh, có khi chỉ từ 20 - 30 phút nên cần được giám sát chặt chẽ để khi có người phát bệnh là phải được cấp cứu ngay. Hàng tuần, Trạm y tế xã Bình Chân phải báo cáo tình hình bệnh dịch lên trung tâm y tế dự phòng kịp thời có phương án cứu chữa người phát bệnh cho người dân yên tâm.

Bên cạnh đó, các cán bộ y tế tại cơ sở cũng tuyên truyền cho người dân cách ăn, ở, giữ vệ sinh sạch sẽ và tổ chức phun làm sạch môi trường xung quanh nhà ở cho tất cả các hộ.

Hầu như tất cả các hộ gia đình mà chúng tôi gặp và tiếp xúc đều thuộc diện những hộ nghèo, chủ yếu là làm nghề nông. Họ không chỉ lo ăn, lo mặc mà còn phải lo kiếm tiền để mua thuốc thang chữa bệnh nữa. Họ đang rất mong sự giúp đỡ về vật chất, tinh thần từ các cấp, ngành và những tấm lòng hảo tâm.