Cuối năm 2021, lãnh đạo UBND tỉnh đã làm việc với Tập đoàn An Phước và các bên liên quan về phát triển cây gai xanh. Qua đó định hướng rõ ràng vùng trồng, trách nhiệm của chính quyền địa phương và của cơ quan chuyên môn; trách nhiệm của doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc trồng thử nghiệm cây gai xanh. Đến nay tại tỉnh Hòa Bình có 3 DN, HTX là đối tác của Công ty An Phước trong phát triển vùng nguyên liệu. Các đối tác trực tiếp ký kết hợp đồng với hộ dân, cung ứng vật tư, phân bón, cùng với công ty để hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng; tổ chức thu hoạch và bao tiêu sản phẩm theo giá thỏa thuận. Công ty An Phước ký bảo lãnh ngân hàng với đơn giá 40 triệu đồng/ha; các đối tác của công ty ký bằng 10%. Việc ký bảo lãnh ngân hàng là điểm mới trong thực hiện các chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm ở tỉnh trong lĩnh vực trồng trọt, tạo sự yên tâm cho các bên.
Đến hết tháng 10 năm 2022, tổng diện tích trồng cây gai xanh trên địa bàn toàn tỉnh dạt 259,9ha, với 435 hộ gia đình tham gia trồng trong đó: Diện tích gai xanh lưu gốc (trồng năm 2021) là 50,7 ha; diện tích trồng mới năm 2022 là 209,2 ha. Diện tích này phân bổ trên địa bàn 06 huyện, thành phố là Đà Bắc, Lạc Sơn, Kim Bôi, Mai Châu, Tân Lạc và thành phố Hòa Bình; trong đó huyện Đà Bắc và Mai Châu là địa phương có diện tích trồng nhiều nhất, Đà Bắc 107 ha, Mai Châu 72 ha.
Qua đánh giá tại các điểm trồng cây gai xanh AP1 cho thấy, cây sinh trưởng, phát triển tốt và khá đồng đều tại các địa phương. Cây gai xanh cho thu hoạch lứa đầu sau khoảng 80 ngày; cho thu hoạch các lứa tiếp theo từ 50-55 ngày. Cây gai xanh trồng trên địa bàn sinh trưởng và phát triển tốt, bộ lá xanh, tỷ lệ nhánh hữu hiệu cao, khả năng chống chịu với thời tiết bất lợi tốt, có khả năng thâm canh tăng năng suất cao. Với tốc độ phát triển nhanh, ruộng gai xanh gần như không cần làm cỏ, vỏ gai khô thu hoạch có chất lượng khá đến tốt, đạt tiêu chuẩn phục vụ chế biến.
Đối với cây trồng mới, năng suất vỏ gai khô thu hoạch năm đầu tiên đạt từ 1,1 -2,1 tấn vỏ/ha, giá trị thu nhập đạt từ 45-85 triệu đồng/ha/năm. Đối với cây trồng lưu gốc, cho năng suất thu hoạch từ 3- 3,6 tấn vỏ gai khô/ha/năm, giá trị thu nhập từ 120 – 145 triệu đồng/ha/năm. Giá trị thu hoạch này cho thu nhập cao hơn từ 2,5-4 lần so với trồng cây ngô, cây sắn trên cùng địa bàn.
Tới nay, sản lượng vỏ gai khô do các đối tác đã xuất về nhà máy trên 45 tấn. Các diện tích trồng gai xanh trên địa bàn tỉnh còn phân tán, nhỏ lẻ; đa số là diện tích trồng mới nên sản lượng chưa cao, cần có thời gian thu gom, tập kết trước khi vận chuyển về nhà máy, gây khó khăn, chậm trễ nhất định trong việc thanh toán cho các hộ mới trồng, diện tích nhỏ lẻ. Tuy nhiên, chi phí đầu tư ban đầu trồng cây gai xanh khá cao bao gồm chi phí giống, phân bón, công chăm sóc, máy tuốt vỏ trên 40 triệu đồng/ha. Trong khi đó đa số diện tích phát triển cây gai xanh tại các xã vùng cao, khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, thiếu vốn đầu tư dẫn đến năng suất, chất lượng gai chưa đạt yêu cầu.
Ông Nguyễn Việt Phương, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp An Phước cho biết: Hòa Bình là địa phương đứng thứ 3 về diện tích trồng cây gai xanh, xếp sau Thanh Hóa với 1.200 ha, Sơn La 500 ha. Hiện nay, tỉnh đang sản xuất với diện tích 259,9ha. Hòa Bình có lợi thế là gần Nhà máy sản xuất, tỉnh có khả năng phát triển tập trung cao vùng sản xuất và còn nhiều tiềm năng mở rộng diện tích. Theo kế hoạch phát triển, năm 2023 Công ty dự kiến mở rộng thêm khoảng 300 ha diện tích trồng cây gai xanh trên địa bàn tỉnh. Với mong muốn đó, công ty đề nghị tỉnh hỗ trợ rà soát thêm một số điểm thích hợp trồng cây gai xanh, đăng ký diện tích phát triển để công ty sớm triển khai thực hiện ngay từ đầu năm. Với chủ trương mang cây giảm nghèo tới bà con nông dân trên những vùng đất khó, công ty sẽ tiếp tục có những nghiên cứu, hợp tác, mở rộng diện tích cây gai xanh tuy nhiên cần căn cứ theo quy hoạch phát triển vùng trồng chung của tỉnh và quy hoạch của công ty, tránh khủng hoảng thừa.
Để phát triển cây gai xanh trong thời gian tới cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phân tích tính hiệu quả, ý nghĩa của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển cây gai xanh để người dân hiểu và đồng thuận. Việc phát triển cây gai xanh phải tuyệt đối tuân thủ vùng trồng theo định hướng của UBND tỉnh. Tập trung rà soát xác định quỹ đất để phát triển cây gai xanh, ưu tiên những diện tích đất trồng ngô, sắn kém hiệu quả, diện tích đất trồng sắn đã bị nhiễm bệnh khảm lá sắn. Đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, khuyến khích tập trung đất đai, liên kết hình thành vùng sản xuất gai xanh quy mô lớn, thâm canh đồng bộ cho năng suất, chất lượng cao. Kiểm soát tốt vùng trồng, tập trung nguồn lực phát triển ở những xã, khu vực đã trồng và cho hiệu quả, hạn chế tình trạng manh mún, rải rác, tự phát trồng, không đảm bảo đầu ra cho sản phẩm./.