Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền về công tác dân vận gắn với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; tập trung quán triệt, triển khai các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác dân vận, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động đối với công tác dân vận trong các cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp. Xác định vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện công tác dân vận. Đổi mới nội dung, phương thức thực hiện công tác dân vận chính quyền phù hợp với tình hình thực tế và nhiệm vụ cụ thể của từng cơ quan, đơn vị và địa phương. Tiếp tục cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác dân vận trong các cơ quan, đơn vị và địa phương, thực hiện hiệu quả cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; phát huy mạnh mẽ vai trò của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện công tác dân vận.
Các nội dung tập trung thực hiện: Tổ chức quán triệt nội dung Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 26/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới; Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 24/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 04/CT- UBND ngày 02/3/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và công tác dân vận chính quyền trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, các kết luận, chỉ thị, kế hoạch của Tỉnh ủy về công tác dân vận tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong triển khai, thực hiện. Các cơ quan, đơn vị căn cứ vào điều kiện thực tế để tổ chức quán triệt bằng hình thức phù hợp.
Đẩy mạnh công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước. Tiếp tục cụ thể hóa, thực hiện hiệu quả cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng và công khai quy định về trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các đề án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước, trong đó chú trọng cải cách thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Tăng cường công tác tiếp dân, đối thoại, lắng nghe và giải quyết các kiến nghị, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các loại tranh chấp, khiếu kiện theo quy định, nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ, ý thức phục vụ nhân dân.
Thực hiện có hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hành dân chủ trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, gắn với chống quan liêu; phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; tập trung kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu quả việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và chính quyền các cấp.
Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức thực hiện công tác dân vận chính quyền; gắn công tác dân vận với thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị và địa phương. Thực hiện việc phân công lãnh đạo và 01 công chức phụ trách công tác dân vận. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, giải pháp công tác dân vận, dân tộc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tình hình mới. Phát huy mọi nguồn lực để phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số; xây dựng đội ngũ cốt cán và tổ chức vận động, tranh thủ phát huy tốt vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng. Tăng cường nắm bắt tình hình nhân dân, thường xuyên báo cáo, phản ánh, kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp xử lý khi có điểm nóng, vụ việc phức tạp nảy sinh ở có sở.
Tổ chức thực hiện tốt Luật Tiếp cận thông tin cũng như hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu các cơ quan, đơn vị với Nhân dân nhằm bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân và giải quyết những kiến nghị, phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân theo quy định. Phối hợp, tạo điều kiện để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng chính quyền vững mạnh.
Tổ chức, triển khai và thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phát hiện bồi dưỡng, xây dựng những nhân tố mới, điển hình mới trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”, đồng thời củng cố, xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” và tạo được sự lan tỏa trên khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhằm vận động công chức, viên chức và người lao động thực hiện tốt nhiệm vụ được giao./.