DetailController

Thời sự trong ngày

Triển khai thực hiện tốt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Hoà Bình

12/10/2022 00:00
Thời gian qua, tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đảm bảo đúng tiến độ thời gian và hiệu quả. Xác định Chương trình OCOP là Chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, gắn phát triển nông thôn với đô thị, góp phần thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Tổ chức các gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh Hoà Bình

Giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh phấn đấu có khoảng 80 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên, trong đó có khoảng từ 1 – 3 sản phẩm OCOP đạt 5 sao; triển khai phát triển từ 7 – 10 các làng (bản) văn hoá du lịch góp phần bảo tồn và phát triển văn hoá, làng nghề truyền thống. Tập trung vào đa dạng hoá, sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, chế biến sâu các sản phẩm theo chuỗi giá trị, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn, tổ chức sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định. Củng cố và nâng cấp ít nhất 30% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn. Kiện toàn các tổ chức kinh tế (doanh nghiệp, hợp tác xã) tham gia Chương trình OCOP và phát triển mới ít nhất 25 tổ chức kinh tế (doanh nghiệp, hợp tác xã) tham gia Chương trình OCOP. Ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại; hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi; sàn giao dịch thương mại điện tử; bán hàng qua kênh mạng xã hội.

Tổ chức tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin truyền thông đại chúng về mục đích, ý nghĩa của Chương trình OCOP trong phạm vi toàn tỉnh. Các cấp uỷ, chính quyền, Ban chỉ đạo, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới các cấp đẩy mạnh quán triệt tầm quan trọng và ý nghĩa, lợi ích, giá trị kinh tế của Chương trình. Đa dạng hoá các hình thức thông tin, tuyên truyền dưới dạng hội nghị chuyên đề, hội thảo, diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, các hoạt động tôn vinh những gương điển hình tiên tiến trong triển khai thực hiện Chương trình OCOP; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục trên báo, đài, trang thông tin điện tử các cấp. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông; xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hoá quá trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, phân hạng sản phẩm; số hoá sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP; hướng tới hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu của tỉnh, quốc gia về Chương trình OCOP. Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các kênh thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream), đặc biệt cho sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản địa phương. Triển khai sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân” nhằm tối ưu hoá ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, thương mại sản phẩm OCOP.

Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung – cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đặc sắc gắn với văn hoá của tỉnh, địa phương; thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP gắn với thị trường du lịch. Xây dựng và quản lý đồng bộ, hiệu quả thương hiệu OCOP (nhãn hiệu chứng nhận); tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ, nâng cao hình ảnh, khả năng nhận diện và giá trị sản phẩm OCOP trên thị trường. Xây dựng hệ thống xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP ra thị trường; triển khai chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá và nhận diện thương hiệu đối với các sản phẩm./.