Năm 2020, diện tích cây có múi của tỉnh đạt khoảng 11.500 ha, chiếm trên 5% diện tích của cả nước, sản lượng ước đạt gần 160 ngàn tấn. Đã hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung, có điều kiện thâm canh cao, nổi tiếng, với bộ giống đa dạng, có năng suất chất lượng tốt như: cam CS1, cam Marrs (cam BH), cam Sông Con, cam CT36, cam Canh, cam V2 tại vùng sản xuất cam Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy; vùng sản xuất bưởi đỏ tại Tân Lạc; vùng sản xuất bưởi diễn tại Yên Thủy, Lương Sơn...Giá trị thu nhập trong sản xuất cây ăn quả có múi bình quân đạt 300 – 350 triệu đồng/ha/năm, thuộc diện cao nhất toàn quốc. Sản phẩm cây ăn quả có múi được xác định là một trong 9 loại nông sản chủ lực của tỉnh, đây cũng là một trong số ít sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Hòa Bình có khả năng chi phối thị trường các tỉnh phía Bắc.
Sau quá trình phát triển tăng nhanh diện tích và sản lượng đã nảy sinh những vấn đề ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của cây ăn quả có múi. Việc phát triển cây ăn quả có múi mới chủ yếu tập trung ở khâu mở rộng diện tích, nâng cao năng suất mà chưa chú trọng đến khâu tiêu thụ, chế biến sau thu hoạch. Nguy cơ đất suy thoái, mất kết cấu, tích lũy nhiều nguồn bệnh là hiện hữu và ngày càng phổ biến. Chưa gắn kết giữa khâu sản xuất và khâu bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thành chuỗi giá trị nên sản phẩm dễ bị tác động của thị trường. Giá thành sản xuất còn khá cao, làm giảm sức cạnh tranh. Sản phẩm đến tay người tiêu dùng phải qua nhiều khâu trung gian, chủ yếu là thương lái, chưa hợp lý về phân chia lợi nhuận, đặc biệt là lợi nhuận cho người nông dân trực tiếp sản xuất. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất chưa phát triển đồng bộ với việc mở rộng quy mô diện tích sản xuất…
Theo Đề án tái canh cây ăn quả có múi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030, tỉnh Hòa Bình đã đề ra mục tiêu tập trung tái canh cây ăn quả có múi trên địa bàn huyện Cao Phong với cây cam, quýt quy mô khoảng 1.500 ha. Trong đó, có ít nhất 75% số hộ sản xuất cây ăn quả có múi là thành viên của doanh nghiệp, HTX và được giám sát chặt chẽ về quy trình canh tác; đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Bố trí cơ cấu để mỗi xã/xóm chỉ có 1-2 giống chủ lực để hình thành các vùng trồng thuần loài, đạt yêu cầu quy mô diện tích để được cấp mã số vùng trồng; đồng thời đảm bảo cơ cấu các nhóm giống rải vụ cho địa bàn toàn huyện Cao Phong. 100% diện tích trồng tái canh được sử dụng nguồn giống sạch bệnh được khai thác từ cây đầu dòng hoặc từ hệ thống nhân giống 3 cấp; cây giống đảm bảo chất lượng theo Tiêu chuẩn Quốc Gia. 100% diện tích đất trồng tái canh được áp dụng gói kỹ thuật cải tạo kết cấu đất và cải thiện độ phì của đất, tạo quỹ đất sạch sâu bệnh trước khi trồng tái canh. 100% diện tích cam quýt giai đoạn kinh doanh đảm bảo đủ điều kiện về an toàn thực phẩm trong sản xuất; trong đó có trên 85% diện tích được cấp chứng nhận An toàn thực phẩm; thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP); hữu cơ,…Có ít nhất 70% sản lượng quả tươi được sơ chế đạt yêu cầu, truy xuất được nguồn gốc trước khi đưa ra thị trường và được tiêu thụ qua hợp đồng. Ít nhất 10 sản phẩm quả tươi hay sản phẩm sơ chế, chế biến được chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. 100% diện tích trồng cây ăn quả có múi tập trung được cung cấp nước tưới chủ động. Hệ thống giao thông nội đồng được bê tông hóa tại các vùng sản xuất tập trung. 100% diện tích sản xuất tập trung và các cơ sở sơ chế, chế biến được sử dụng điện lưới quốc gia…
Như vậy, để phát triển bền vững và gia tăng chuỗi giá trị trong sản xuất cây ăn quả có múi tập trung, phải củng cố, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động tổ chức sản xuất của doanh nghiệp, HTX sản xuất cây ăn quả có múi. Tạo nguồn giống sạch bệnh; quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên đất, nước; cải thiện độ phì, kết cấu đất trồng và tạo quỹ đất sạch nguồn sâu bệnh phục vụ tái canh cây ăn quả có múi. Có các cơ chế chính sách hỗ trợ tổ chức sản xuất đáp ứng mục tiêu tái canh. Đẩy mạnh đầu tư vào chế biến nông sản, đa dạng hoá sản phẩm, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường tuyên truyền, quán triệt, phổ biến chủ trương, quan điểm của Đảng về phát triển, tái canh cây ăn quả có múi đến mọi tầng lớp nhân dân, đối tượng trực tiếp thụ hưởng. Nghiên cứu, áp dụng KHCN tiên tiến trong sản xuất. Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và cân đối, bố trí các nguồn vốn kịp thời theo điều kiện thực tế để thực hiện…/.