DetailController

Kinh tế

Triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh

10/03/2022 00:00
Để phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng của tỉnh; ngày 08/3/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 43/KH-UBND về triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Đối tượng Chương trình áp dụng bao gồm người dân, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; các ngành, lĩnh vực tạo động lực phục hồi và phát triển kinh tế. Thời gian hỗ trợ kéo chủ yếu trong 2 năm 2022-2023; một số chính sách có thể kéo dài, bổ sung nguồn lực thực hiện tùy theo diễn biến dịch bệnh.

Theo đó, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội gồm 5 nhiệm vụ như sau:

Mở cửa kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng chống dịch bệnh. Trong đó tập trung vào tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền nâng cao ý thức phòng, chống dịch, tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác; thích ứng an toàn, lĩnh hoạt, kiểm soát dịch bệnh. Triển khai thực hiện lộ trình mở cửa lại du lịch, vận tải hàng hóa, các ngành dịch vụ giải trí, văn hóa, nghệ thuật gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp cơ sở khám chữa bệnh, tập trung nâng cao chất lượng hiệu quả phục vụ của hệ thống y tế cơ sở.

Đảm đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm. Thực hiện hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp. Tiếp tục rà soát, có chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn do tác động của dịch bệnh. Thực hiện hiệu quả các chính sách cho vay ưu đãi qua chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội; hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023 đối với các khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm và được chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân. Đầu tư tăng cường kết nối cung - cầu lao động và triển khai hiệu quả Chương trình “Sóng và máy tính cho em”.

Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Hỗ trợ 2% thuế suất Giá trị gia tăng năm 2022 cho các doanh nghiệp, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh các nhóm hàng, dịch vụ theo quy định; miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021; giảm 30% tiền thuê đất và 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp, tổ chức theo quy định. Hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi. Tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5%-1% trong 2 năm 2022-2023 nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch.

Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước, siết chặt kỷ luật tài chính, đảm bảo mục tiêu sử dụng ngân sách nhà nước tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định, giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển. Triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 theo hướng trọng tâm, trọng điểm. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm dự kiến khởi công trong năm 2022, như: Đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu), Đường kết nối thị trấn Lương Sơn - Xuân Mai, Hà Nội (giai đoạn 1), Đường Quang Tiến - Thịnh Minh, thành phố Hòa Bình (giai đoạn 1). Tích cực đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuẩn bị đầu tư các dự án như: Đầu tư mở rộng đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, Đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19-Km53).

Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao chất lượng bộ máy dịch vụ công, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý, thực thi công vụ. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan trong giải quyết thủ tục hành chính. Đẩy mạnh chuyển đổi số, kết nối các phần mềm một cửa điện tử của tất cả các cơ quan từ tỉnh đến xã đảm bảo tính liên thông trong giải quyết các thủ tục hành chính.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hiện các nội dung, chính sách quy định tại Nghị quyết số 11/NQ-CP, Công điện số 126/CĐ-TTg. Đẩy mạnh rà soát, đề xuất tháo gỡ các rào cản về thể chế, quy định pháp luật cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chủ động xây dựng các giải pháp, chính sách cụ thể của ngành, lĩnh vực, địa phương nhằm phục hồi nhanh và phát triển kinh tế bền vững. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm các năm 2022-2023. Phấn đấu giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được giao từ đầu năm gắn với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, ngăn chặn các hành vi tiêu cực, tham nhũng, trục lợi chính sách; bảo đảm công khai, minh bạch trong tổ chức thực hiện.

Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình một số chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025./.