Trong năm 2023, các hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội được thực hiện có hiệu quả với nhiều đổi mới mạnh mẽ về tư duy và phương thức thực hiện, được triển khai toàn diện, đồng bộ, ngày càng đi vào thực chất; nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả, phản ứng linh hoạt, nhạy bén trước những vấn đề thời sự quan trọng của đất nước; tăng tính dân chủ, pháp quyền, công khai, minh bạch trong hoạt động giám sát, tạo hiệu ứng lan tỏa về tinh thần hành động tích cực, góp phần tạo chuyển biến toàn diện cả về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và vấn đề được giám sát.
Thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 90 với nhiều nội dung giám sát, yêu cầu cụ thể hơn trong việc tổ chức thực hiện đối với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu quốc hội, đại biểu Quốc hội. Theo đó, Quốc hội đã chọn giám sát tối cao 2 chuyên đề gồm chuyên đề về “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023” và chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.
Để Chương trình giám sát năm 2024 được thực hiện thành công, các đại biểu đã thảo luận, tham gia ý kiến về các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023 và các giải pháp triển khai năm 2024. Trong đó, tập trung vào các nội dung đổi mới và bài học kinh nghiệm.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, với mục tiêu giám sát phải được triển khai đồng bộ với quá trình triển khai xây dựng và thực hiện chính sách pháp luật, trong thời gian tới, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ giám sát. Các Đoàn giám sát phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong triển khai các hoạt động của các Đoàn giám sát. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức phản biện xã hội đối với nội dung của các chuyên đề giám sát để phát huy hiệu quả của hoạt động giám sát của Quốc hội, gắn với hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn tại phiên họp tháng 3 và tháng 8/2024, trong đó, tại phiên họp tháng 3 sẽ chất vấn các vấn đề “nóng”, nổi lên và tại phiên họp tháng 8 sẽ giám sát lại. Về hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật, Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tập trung giám sát các nội dung văn bản dưới luật liên quan đến tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp; đấu thầu, cung ứng thuốc và trang thiết bị y tế; xử lý các vướng mắc trong các quy định phòng cháy, chữa cháy, công tác đăng kiểm phương tiện giao thông, công tác quy hoạch…Rà soát, giám sát các văn bản, quy định liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm thực thi công vụ, cấp phép, quyết định đầu tư, giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp; tiếp tục rà soát các văn bản phát hiện những nội dung còn sơ hở, chưa chặt chẽ, bất cập, có thể làm phát sinh tham nhũng, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Các Đoàn đại biểu Quốc hội tăng cường tổ chức hoạt động giám sát thông qua các hoạt động giám sát chuyên đề việc thi hành pháp luật ở địa phương; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân và cử đại biểu Quốc hội trong Đoàn tham gia Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; bảo đảm chất lượng, khả thi, hiệu quả, tránh hình thức, phù hợp với khả năng, nguồn lực, nhất là đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật ở địa phương./.