Ông Nguyễn Ngọc Việt, GĐ Trung tâm dự báo khí thượng thủy văn Hòa Bình nhận định: Năm 2015, diễn biến thời tiết cho thấy, nền nhiệt trung bình cao hơn các năm, hiện nhiệt độ thời gian tháng 4-5 có thể cao nhất trong năm.
Lượng mưa tập trung vào tháng 6/7 và tháng 8/2015. Trong các đợt mưa lớn có thể do ảnh hưởng của bão và siêu bão cần đặc biệt đề phòng lũ quét và sạt lở đất, đá và ngập úng cục bộ ở vùng trũng thấp. Những năm trước, tỉnh ta luôn hứng chịu hậu quả khá nặng nề bởi thiên tai. Trong tháng các tháng 4, 5/2014, giông lốc xảy ra trên địa bàn các huyện Lạc Sơn, Yên Thủy, Tân Lạc, Mai Châu, Kim Bôi, Lương Sơn làm đổ và hư hỏng hàng trăm nhà dân, các công trình công cộng, thiệt hại hàng nghìn ha lúa, hoa màu bị giảm năng suất, hư hại nhiều công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi… Thực tế diễn biến thời tiết trong những đầu ngày đầu tháng 5 vừa rồi, Hòa Bình là địa phương có nền nhiệt cao nhất miền Bắc, nắng gắt mạnh và cao điểm vào đầu giờ chiều, đêm về nhiệt độ xuống thấp, đã xuất hiện mưa lớn cục bộ. Năm nay, cần hết sức cảnh giác với diễn biến thời tiết có dấu hiệu phức tạp và khó lường, có phương án ứng phó phòng tránh với ảnh hưởng của hoàn lưu bão mạnh và siêu bão, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, là tỉnh miền núi, thiên tai, mưa lớn, giống lốc thường gây hậu quả khá nặng nề cho tỉnh ta trong những năm vừa qua. Các cấp ngành, địa phương cần nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác PCTT&TKCN. Đối với năm 2015, các cấp, ngành và địa phương cần khẩn trương kiện toàn các BCH PCTT&TKCN xây dựng phương án cụ thể, sát với điều kiện thực tế, thực hiện tốt phương châm “ 4 tại chỗ” và quan điểm “Chủ động trong phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả, trong đó, lấy phòng tránh là chính”. Các ngành chức năng và huyện, thành phố tổ chức ứng trực thường xuyên, theo dõi sát diễn biến thời tiết, rà soát đánh giá các khu vực trọng yếu, nhất là khu vực thường xuyên xảy ra sạt lở đất, đá ở các các xã vùng cao ở các huyện Mai Châu, Đà Bắc, Lạc Sơn, Tân Lạc; các vị trí ngầm, tràn, khe suối triển khai phương án vận động và di dời người dân ra khỏi vùng nguy cơ trượt sạt, tổ chức ứng trực thường xuyên cảnh báo, kiên quyết không cho người dân tham gia giao thông tại các ngầm, tràn giao thông khi có mưa lũ và nước dâng cao. Các xã vùng hạ lưu thủy điện Hòa Bình cần chủ động xây dựng phương án, tổ chức di dời dân đến nơi an toàn khi nhà máy thủy điện Hòa Bình xả lũ tần suất lớn. Đối với các công trình giao thông thủy lợi cần xây dựng phương án bảo đảm an toàn cho từng loại công trình, thực hiện tu bổ, củng cố các tuyến đê, đập, hồ chứa theo kế hoạch, kiểm tra phát hiện và có phương án xử lý kịp thời những hư hỏng, ẩn họa. Các công trình cần tổ chức thi công hoàn thành các hạng mục vượt lũ và có phương án ứng phó với mưa lũ lớn xảy ra. Chủ đầu tư phối hợp với các đơn vị liên quan, chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công đê Quỳnh Lâm, Đà Giang khu vực TP Hòa Bình, hồ Cạn Thượng- Cao Phong và nhiều công trình thủy lợi khác trên địa bàn… Các huyện như Lương Sơn, thành phố Hòa Bình tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý tổ chức cá nhân vi phạm Luật Đê điều, Luật PCTT, lập phương án huy động nhân lực, vật tư, phương tiện cứu hộ đê khi xảy ra sự cố. Đối với hệ thống giao thông trên địa bàn cần có phương án chi tiết, chủ động khắc phục nhanh nhất các sự cố bảo đảm giao thông thông suốt trong mùa mưa bão năm 2015. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của từng cấp, ngành việc chủ động triển khai các phương án PCTT&TKCN phải sát thực tế và chủ động trong phương án bảo đảm nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.