DetailController

Khoa học - Môi trường

Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi

14/06/2021 00:00
Ngay từ đầu năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các sở, ngành liên quan chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Đoàn công tác của tỉnh kiểm tra dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò tại huyện Mai Châu

Từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra dịch tả lợn Châu Phi tại 15 xã của 6 huyện, thành phố (Yên Thủy, Lạc Sơn, Tân Lạc, Đà Bắc, Mai Châu và thành phố Hòa Bình) với tổng số lợn tiêu hủy 648 con, trọng lượng 40.413 kg; hiện nay còn 7 xã của 4 huyện có dịch chưa qua 21 ngày (Yên Thủy, Lạc Sơn, Đà Bắc, Mai Châu). Dịch bệnh lở mồm long móng xảy ra tại 11 xã của 3 huyện, thành phố (Yên Thủy, Lạc Sơn, thành phố Hòa Bình) với tổng số gia súc mắc bệnh là 500 con; tổng số con chết là 12 con (gia súc già, bê, nghé); từ đầu tháng 4 đến nay các ổ dịch đã được các địa phương xử lý triệt để, trên địa bàn tỉnh không còn địa phương nào có dịch. Bệnh viêm da nổi cục trâu, bò xảy ra tại 125 xã, thị trấn của 10 huyện, thành phố với tổng số gia súc mắc bệnh 4.100 con; tổng số chết do bệnh 232 con (trâu, bò già và bê, nghé); hiện còn 41 xã của 10 huyện, thành phố có dịch chưa qua 21 ngày.

Ủy ban nhân dân tỉnh đã duyệt bổ sung ngân sách Nhà nước năm 2021 để thực hiện phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm với tổng kinh phí trên 2,6 tỷ đồng. Trong đó kinh phí mua 75.000 liều vắc xin lở mồm long móng tiêm phòng cho 6 huyện vùng đệm số tiền trên 1,4 tỷ đồng; kinh phí mua 8.000 lít thuốc sát trùng phục vụ phun khử trùng tiêu độc cho toàn tỉnh 2 đợt/năm số tiền trên 1,2 tỷ đồng. Khi dịch bệnh động vật xảy ra, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương công bố dịch theo quy định của Luật Thú y để huy động các nguồn lực và áp dụng đồng bộ các biện pháp để kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch theo đúng quy định, không để dịch bệnh lây lan, dây dưa kéo dài. Kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của địa phương, tổ chức, đôn đốc thực hiện việc khoanh vùng, bao vây, dập dịch.

Bên cạnh đó, tổ chức cách ly nuôi nhốt toàn bộ gia súc mắc bệnh, không chăn thả với gia súc khác. Hướng dẫn người chăn nuôi vệ sinh môi trường, thu gom chất thải chuồng nuôi, xử lý bằng cách ủ sinh học, dùng vôi bột rắc nền và xung quanh chuồng nuôi; sử dụng các thuốc sát trùng để ngăn chặn và tiêu diệt ruồi, muỗi, ve, mòng và các tác nhân gây bệnh. Thống kê số lượng gia súc, gia cầm và tổ chức triển khai tiêm phòng khẩn cấp vắc xin chống dịch; tổ chức vệ sinh, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt côn trùng, ruồi, muỗi, vè, mòng… liên tục tại các hộ chăn nuôi có gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và thú y phối hợp với các địa phương quyết liệt chỉ đạo, tổ chức có hiệu quả các giải pháp đồng bộ phòng, chống dịch bệnh cho động vật nuôi; chủ động giám sát lấy mẫu để xác định chính xác dịch bệnh; phát hiện sớm, xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh trên đàn vật nuôi và báo cáo kịp thời theo quy định.

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, tính đến hết tháng 5/2021, trên địa bàn tỉnh có tổng đàn trâu 115.700 con, đạt 99,13% so với cùng kỳ; bò 85.890 con, đạt 101,08% so với cùng kỳ; lợn 431.410 con, đạt 104,3% so với cùng kỳ; gia cẩm 7.831.000 con, đạt 102,45% so với cùng kỳ; dê 51.365 con, đạt 100,16% so với cùng kỳ; đàn ong 59.340 tổ. Về chăn nuôi tập trung công nghiệp, trên địa bàn tỉnh hiện có 03 trang trại chăn nuôi bò của Công ty T&T 159 quy mô 500 - 7.000 con bò thịt và bò cái sinh sản. Có 71 trang trại chăn nuôi gia cầm (59 trang trại chăn nuôi gia cầm thương phẩm quy mô lớn từ 3.000 - 40.000 con/chuồng/lứa sản xuất được 2.484.000 con, với sản lượng thịt hơi khoảng 6.955.200 tấn; 07 trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng thương phẩm quy mô 5.000 - 50.000 con sản xuất được hơn 8 triệu quả trứng; 05 cơ sở chăn nuôi gà giống quy mô từ 10.000- 170.000 con, cung cấp khoảng 10 triệu con gà giống/năm và 16,8 triệu quả trứng giống/năm). Toàn tỉnh có 41 trang trại chăn nuôi lợn nái, lợn hậu bị và lợn thịt quy mô từ 300 - 3.000 con với tổng số 20.700 con lợn nái cung cấp khoảng 207 nghìn con giống/lứa, 517,5 nghìn con giống/năm, 44.680 con lợn thịt và hậu bị, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 8.042 tấn/năm.

Các hợp tác xã chăn nuôi phát triển cả về quy mô và số lượng từng bước hình thành nguồn cung ổn định cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Hiện đang có nhiều các hộ chăn nuôi, trang trại chăn nuôi phát triển chăn nuôi một số giống vật nuôi bản địa như gà Lạc Thủy, dê và lợn bản địa; xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể các sản phẩm gà Lạc Thủy, gà Lạc Sơn, lợn bản địa Đà Bắc. Tỉnh đã có 3 sản phẩm chăn nuôi gà và 3 sản phẩm mật ong được xếp hạng 3 sao, 4 sao. Trên địa bàn tỉnh hiện có 05 nhà máy với tổng công suất khoảng 675 nghìn tấn/năm, có 225 cơ sở kinh doanh thức ăn kinh doanh thức ăn chăn nuôi đáp ứng nhu cầu sản xuất của người chăn nuôi. Phát triển trồng cây thức ăn xanh trên diện tích đất sản xuất cây lương thực, hoa màu kém hiệu quả, dự trữ chế biến thức ăn từ nguồn phụ phẩm nông nghiệp cho trâu, bò vào vụ đông./.