Theo đánh giá của BHXH Việt Nam, năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động tiêu cực đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và việc thực hiện các mục tiêu của ngành BHXH Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, với sự chủ động, linh hoạt trong triển khai nhiệm vụ và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong tổ chức thực hiện, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; BHXH Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng. Số thu và người tham gia BHXH, Bảo hiểm tự nguyện (BHTN), Bảo hiểm y tế (BHYT) đều tăng so với năm 2020, hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu Đảng, Chính phủ giao. Tính đến hết ngày 31/12/2021, cả nước có 16,547 triệu người tham gia BHXH, tăng 2,2% so với năm 2020. Số người tham gia BHTN đạt gần 13,4 triệu người, tăng 0,4% so với 2020. Số người tham gia BHYT là trên 88,837 triệu người , tăng 0,9% so với năm 2020, đạt tỷ lệ bao phủ 91,01% dân số. Tổng số thu BHXH, BHTN, BHYT đạt hơn 395.472 tỷ đồng, tăng 0,6% so với năm 2020. Với việc đơn giản hóa thủ tục hành chính; công tác giải quyết, chi trả chế độ, chính sách BHXH, BHTN, BHYT được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Trong năm, BHXH Việt Nam đảm bảo chi trả đầy đủ chế độ cho 3,3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng tại gần 15 nghìn điểm chi trả đến cấp xã; trên 738 nghìn người hưởng trợ cấp thất nghiệp; trên 7,8 triệu lượt người hưởng chế độ trợ cấp ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; 125,96 triệu lượt người khám chữa bệnh bằng BHYT. Tổng số chi BHXH, BHTN, BHYT là 339.115 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, công tác truyền thông chính sách, pháp luật Bảo hiểm được đổi mới theo hướng hiện đại, đa dạng, linh hoạt, phù hợp. Công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện linh hoạt, phù hợp với diễn biến dịch bệnh; tập trung đổi mới phương pháp, cách thức dựa trên cơ sở dữ liệu hiện có. Công tác hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được triển khai quyết liệt, hiệu quả, kịp thời, với phương châm đưa chính sách đến doanh nghiệp và người lao động nhanh nhất, thuận tiện nhất. Ngoài ra, BHXH Việt Nam đã đẩy mạnh triển khai ứng dụng VssID - BHXH số. Đến nay, cả nước đã có trên 25 triệu người cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID.
Về nhiệm vụ năm 2022, BHXH Việt Nam phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu chủ yếu được đề ra tại dự thảo Nghị quyết số 01/NQ-CP, với khoảng 37-38% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, khoảng 31% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN đạt, 92% dân số tham gia BHYT…
Tham gia thảo luận tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh đã kiến nghị một số nội dung: Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 7/10/2018 của Chính phủ, trong đó: Bổ sung đối tượng được cấp thẻ BHYT vào nhóm “Do ngân sách Nhà nước đóng” theo nội dung Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Có chính sách tiếp tục hỗ trợ mua thẻ BHYT cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã khu vực III, II đạt chuẩn nông thôn mới. Ban hành văn bản quy định hoặc có phương án giải quyết về xử lý nợ, nợ lãi BHXH, BHYT tồn đọng kéo dài không có khả năng thu hồi của đơn vị đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ bỏ trốn để giải quyết chế độ cho người lao động.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ghi nhận và biểu dương những kết quả mà BHXH Việt Nam đạt được trong 2021. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị, ngành BHXH Việt Nam bám sát chủ trương, đường lối, định hướng, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chủ động xây dựng, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt chính sách, pháp luật BHXH, BHYT. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh nhằm đảm bảo an sinh xã hội. Triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT; đôn đốc thu, giảm nợ; giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi về BHXH, BHTN, BHYT; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm. Đổi mới hơn nữa nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông để người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về chính sách Bảo hiểm của Nhà nước. Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng cần tiếp tục phát huy tối đa hiệu quả công nghệ thông tin, đẩy nhanh chuyển đổi số; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác chuyên môn./.