DetailController

Chỉ đạo điều hành

Triển khai Kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng tỉnh Hoà Bình năm 2024 - 2025

08/11/2024 16:14
Để chủ động triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) với phương châm “phòng là chính, chữa cháy kịp thời, triệt để và an toàn”. Chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, phương tiện, trang thiết bị cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng; phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ và diện tích thiệt hại do cháy rừng gây ra. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các ngành, đơn vị và chủ rừng đối với công tác PCCCR. Ngày 06/11, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 220/KH-UBND về PCCCR tỉnh Hòa Bình năm 2024 - 2025.
Lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, bảo vệ rừng, PCCCR

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:

Phòng cháy rừng: Đổi mới, đa dạng hóa, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với công tác phòng cháy và chữa cháy rừng. Kiện toàn lực lượng bảo vệ rừng và PCCCR, tăng cường công tác đào tạo, huấn luyện và diễn tập PCCCR. Xây dựng, bổ sung chỉnh lý kịp thời Phương án phòng cháy và chữa cháy rừng đảm bảo phù hợp về tính chất, đặc điểm nguy hiểm về cháy và các điều kiện liên quan đến hoạt động chữa cháy rừng. Xây dựng công trình, trang bị phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy rừng. Quản lý vật liệu cháy rừng và sử dụng lửa. Trực phòng cháy và chữa cháy rừng. Kiểm tra an toàn phòng cháy và chữa cháy rừng.

Chữa cháy rừng: Người phát hiện cháy rừng phải bằng mọi cách báo cháy ngay cho người xung quanh, chủ rừng, đội phòng cháy và chữa cháy rừng, chính quyền địa phương, cơ quan Kiểm lâm, cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ hoặc cơ quan Công an, Quân đội nơi gần nht. Cơ quan, đơn vị khi tiếp nhận được thông tin báo cháy rừng phải nhanh chóng đến hiện trường tổ chức chữa cháy, đồng thời báo cho cơ quan, đơn vị cần thiết khác để chi viện chữa cháy. Khi có cháy rừng xảy ra, tùy theo quy mô, tính chất đám cháy người có thẩm quyền có thể huy động phương tiện, thiết bị, dụng cụ PCCCR hiện có. Trường hợp đám cháy mới phát sinh có quy mô nhỏ khi phát hiện cháy rừng, chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân phải huy động ngay lực lượng, công cụ để chữa cháy; đồng thời với việc tổ chức chữa cháy phải báo cáo ngay cho Kiểm lâm địa bàn, trưởng thôn, xóm, Ủy ban nhân dân cấp xã để có phương án hỗ trợ kịp thời. Trưởng thôn, xóm nơi xảy ra cháy rừng phải huy động tổ đội quần chúng bảo vệ rừng; lực lượng, dụng cụ cần thiết của thôn, xóm để chữa cháy và trực tiếp chỉ huy chữa cháy rừng. Trường hợp đám cháy có quy mô trung bình, sau khi nhận được báo cáo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện một mặt huy động ngay lực lượng của huyện (Hạt Kiểm lâm; Công an huyện và Quân sự huyện...) khẩn trương tiếp cận hiện trường để chỉ đạo chữa cháy rừng; mặt khác, huy động lực lượng phương tiện trên địa bàn các xã lân cận để tham gia hỗ trợ chữa cháy rừng.  Trường hợp đám cháy lớn lan nhanh, bùng phát trên diện rộng, sau khi nhận được báo cáo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị của tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý để chữa cháy rừng; khẩn trương tiếp cận đám cháy để chỉ đạo chữa cháy rừng,

Khắc phục hậu quả, xử lý sau cháy rừng: Chủ rừng xác định mức độ rừng bị thiệt hại sau khi cháy, thống kê và báo cáo cơ quan Kiểm lâm, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, chính quyền địa phương sở tại. Căn cứ mức độ thiệt hại, chủ rừng xác định và thực hiện các giải pháp phục hồi rừng sau khi cháy gồm: khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, có trồng bổ sung hoặc trồng rừng mới.

Tổi chức thực hiện:

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ cập kiến thức cho chủ rừng, nhân dân về PCCCR. Kịp thời tham mưu biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCCCR. Đồng thời, cương quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về PCCCR. Chỉ đạo xây dựng bản tin cấp dự báo cháy rừng đăng tải trên Website, cổng thông tin điện tử của Sở, đồng thời phối hợp với Báo Hoà Bình, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng khi cấp dự báo cháy rừng ở cấp IV, cấp V cảnh báo cháy rừng để chính quyền địa phương, người dân và các chủ rừng thực hiện tốt công tác PCCCR; thường xuyên theo dõi, thông tin, xác minh các điểm cháy từ vệ tinh trên trang chủ của Cục kiểm lâm, kịp thời phát hiện, dập tắt các đám cháy mới phát sinh. Phối hợp thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp giữa Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Lữ đoàn 72 Binh chủng Công binh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thực hiện Nghị định số 02/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ về hoạt động phối hợp của dân quân tự vệ; Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm thực hiện tốt các Quy chế, Kế hoạch, Phương án phối hợp, huy động lực lượng phương tiện với cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để chủ động trong chữa cháy rừng. Chỉ đạo các lực lượng Kiểm lâm tham mưu cho chính quyền địa phương và Ban Chỉ đạo các cấp để chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các biện pháp PCCCR trên địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật; tăng cường kiểm tra, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm về PCCCR, kiểm tra an toàn về PCCCR đối với các khu rừng dễ cháy; phối hợp với Ban Chỉ đạo các huyện, thành phố và các chủ rừng tổ chức tập huấn, diễn tập nghiệp vụ PCCCR cho các tổ, đội ở cơ sở. Lập kế hoạch, dự trù kinh phí hàng năm cho công tác bảo vệ rừng, PCCCR, mua sắm bổ sung các trang thiết bị, dụng cụ PCCCR. Chủ trì, báo cáo định kỳ, đột xuất về tình hình PCCCR; tiến hành sơ kết, tổng kết công tác PCCCR; lập kế hoạch, biện pháp, giải pháp bảo vệ rừng, PCCCR cụ thể, phù hợp theo tình hình thời tiết diễn ra.

Công an tỉnh: Chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và lực lượng Công an các huyện, thành phố phối hợp với lực lượng Kiểm lâm và chính quyền địa phương xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về PCCCR; phối hợp trong chữa cháy rừng; điều tra nguyên nhân, thủ phạm gây cháy rừng. Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và CNCH chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện phối hợp chặt chẽ với Chi cục kiểm lâm và các địa phương trong công tác PCCCR; tham gia đoàn kiểm tra an toàn PCCCR với các lực lượng chức năng liên quan khi có yêu cầu.

Bộ chỉ huy quân sự tỉnh: Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, Dân quân tự vệ phối hợp chặt chẽ với cơ quan Kiểm lâm, Công an ở địa phương tổ chức thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, PCCCR tại nơi đơn vị đóng quân, địa bàn hoạt động của đơn vị mình; xây dựng và thực hiện tốt Quy chế phối hợp với các lực lượng theo Nghị định số 02/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ Quy định về hoạt động phối hợp của Dân quân tự vệ. Có kế hoạch sử dụng lực lượng, phương tiện để sẵn sàng ứng cứu kịp thời khi có tình huống diễn biến phức tạp trong công tác quản lý rừng, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, giáo dục cán bộ, chiến sĩ nắm vững và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về PCCCR; tham gia diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng theo kế hoạch. Chỉ đạo tổ chức thực hiện những quy định về bảo vệ rừng, PCCCR đối với những diện tích rừng được giao, khoán cho đơn vị bảo vệ hoặc trồng rừng.

Sở Tài chính: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, khả năng ngân sách, Sở Tài chính tham mưu, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện Kế hoạch theo đúng quy định; việc lập dự toán, phân bổ, quản lý và sử dụng ngân sách thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Đài phát thanh truyền hình tỉnh, Báo Hòa Bình: Phối hợp với cơ quan chức năng có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho người dân trong công tác bảo vệ rừng, PCCCR; thường xuyên thông tin cảnh báo cháy rừng ở thời điểm nắng nóng, cấp dự báo cháy rừng đạt cấp IV và V có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao.

Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh: Thường xuyên cập nhật kết quả quan trắc về tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn, kết hợp với dự báo của cơ quan Trung ương để cung cấp kịp thời cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh xác định, đưa tin kịp thời cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn tỉnh.

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh: Phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, động viên mọi tầng lớp nhân dân thực hiện các quy định của pháp luật về PCCCR và giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCCCR.

Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã theo thẩm quyền, phạm vi quản lý của mình chịu trách nhiệm về PCCCR ban hành các văn bản quy định về PCCCR tại địa phương và xây dựng kế hoạch bảo vệ rừng và PCCCR trên địa bàn. Kiện toàn Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự cấp huyện, cấp xã; ban hành Quy chế hoạt động; phân công nhiệm vụ và phụ trách địa bàn cụ thể cho từng thành viên để chủ động trong chỉ đạo, điều hành, phối hợp phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn và PCCCR. Chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức về PCCCR cho nhân dân, xây dựng phong trào toàn dân tham gia hoạt động PCCCR. Chỉ đạo, kiểm tra và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về PCCCR; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm quy định về PCCCR theo thẩm quyền đồng thời biểu dương, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ rừng, PCCCR. Tổ chức diễn tập chữa cháy rừng theo từng cấp nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm để có sự chuẩn bị tốt nhất trong phối hợp giữa các lực lượng, phương tiện, hậu cần khi có cháy rừng xảy ra. Ưu tiên đầu tư ngân sách cho hoạt động bảo vệ rừng, PCCCR. Trang bị phương tiện, thiết bị, dụng cụ, xây dựng, lắp đặt bảng biển tuyên truyền về bảo vệ rừng và PCCCR.

Nhiệm vụ chủ rừng: Xây dựng, tổ chức thực hiện các quy định, nội quy, biện pháp bảo vệ rừng, PCCCR theo quy định tại Mục III, Điều 53, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP; xây dựng phương án, kế hoạch bảo vệ rừng, PCCCR đối với diện tích rừng quản lý. Kiện toàn các tổ, đội bảo vệ rừng, PCCCR; thường xuyên tuần tra, canh gác, theo dõi phát hiện lửa trong rừng trong suốt thời kỳ khô hanh. Chủ động phối hợp với Kiểm lâm và các cơ quan liên quan trong công tác kiểm tra, xác minh, làm rõ và xử lý các hành vi phạm quy định an toàn về PCCCR theo thẩm quyền. Đầu tư trang bị phương tiện, công cụ và có kế hoạch tu sửa, xây dựng đường băng cản lửa và các công trình PCCCR khác. Báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình bảo vệ rừng, PCCCR theo quy định; thông báo kịp thời cho chính quyền địa phương, cơ quan Kiểm lâm sở tại, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, cơ quan quản lý trực tiếp khi có cháy rừng, phá rừng, lấn, chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật xảy ra trên phạm vi quản lý. Phối hợp và tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng điều tra, truy tìm đối tượng gây cháy rừng, phá rừng, lấn, chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật.

Yêu cầu Giám đốc các Sở, thủ trưởng các Ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các chủ rừng được giao nhiệm vụ triển khai thực hiện. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét chỉ đạo giải quyết, điều chỉnh./.