Với phương phâm “Phòng là chính, chữa cháy kịp thời”, chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời cháy rừng, sẵn sàng nhân lực, phương tiện, trang thiết bị cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng; phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng. Thông tin về dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng được thông báo nhanh chóng, kịp thời đến chủ rừng, chính quyền địa phương và các cơ quan chịu trách nhiệm về phòng cháy và chữa cháy rừng. Huy động lực lượng triển khai phương án chữa cháy hiệu quả, an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ và diện tích thiệt hại do cháy rừng gây ra. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các ngành, đơn vị và chủ rừng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu cần xác định rõ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, là trách nhiệm mọi tổ chức, cá nhân, trong đó trách nhiệm hàng đầu thuộc về cấp ủy, chính quyền các cấp cần tập trung chỉ đạo thực hiện. Đảm bảo thống nhất trong chỉ đạo, chỉ huy, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng tham gia chữa cháy rừng; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, dụng cụ, trang thiết bị để kịp thời hỗ trợ, xử lý các tình huống cháy rừng. Thực hiện phương châm 4 tại chỗ, bao gồm: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Trong quá trình chữa cháy rừng đảm bảo an toàn theo thứ tự ưu tiên: Người, tài sản, các công trình, phương tiện, thiết bị tham gia chữa cháy rừng.
Lực lượng Kiểm lâm với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình có trách nhiệm tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền các cấp tổ chức thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật; tăng cường kiểm tra, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm về phòng cháy, chữa cháy rừng. Các chủ rừng có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc trách nhiệm về công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định của pháp luật về Lâm nghiệp và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
Kế hoạch đã xây dựng 03 nội dung chính cần tập trung triển khai thực hiện. Cụ thể là, công tác phòng, cháy rừng gồm: công tác tuyên truyền; kiện toàn lực lượng, bổ sung phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; công tác đào tạo, huấn luyện và diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng; thực hiện các biện pháp lâm sinh phòng cháy rừng; thông tin dự báo cháy rừng, các vùng trọng điểm và thời gian dễ xảy ra cháy rừng. Trong công tác chữa cháy rừng, cần làm tốt việc thông tin báo cháy; huy động phương tiện, thiết bị, dụng cụ phòng cháy, chữa cháy rừng; Tổ chức chữa cháy rừng. Thực hiện khắc phục hậu quả, xử lý sau cháy rừng./.