DetailController

Kinh tế

Triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2022-2025

27/04/2022 00:00
Ngày 26/4/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 72/KH-UBND về triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2022-2025.

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế với mức tăng trưởng cao. Đưa việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động. Góp phần thực hiện các mục tiêu xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trong Đề án chuyển đổi số tỉnh Hòa Bình và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội Hòa Bình, giai đoạn 2021-2025.

Trong giai đoạn 2022-2025, tỉnh phấn đấu thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân. Nâng tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 15-20%/năm; nâng tốc độ tăng trưởng bình quân qua kênh điện thoại di động về số lượng giao dịch đạt 50-60%/năm và giá trị giao dịch đạt 60-80%/năm. Ngoài ra, đối với dịch vụ công, có từ 70 - 80% cơ sở giáo dục trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; 60% các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; 40% số người hưởng lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm Xã hội, Trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn đô thị được chi trả thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Để đạt được kết quả trên, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành trong tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng trong thanh toán không dùng tiền mặt; triển khai đồng bộ, quyết liệt các cơ chế, chính sách về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác; phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0; đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán.

Ủy ban nhân dân tỉnh giao Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh là đầu mối chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai, theo dõi thực hiện các giải pháp trong Kế hoạch, hằng năm tổng hợp tình hình triển khai và đề xuất các giải pháp cần thiết báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, tổ chức tổng kết vào cuối năm 2025. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Kho bạc Nhà nước tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Chi Cục Hải quan Hòa Bình hoàn thiện cơ sở hạ tầng và liên kết trong giao dịch thu, nộp ngân sách Nhà nước; yêu cầu các cơ quan nhà nước, đơn vị hành chính, đơn vị được cấp phát kinh phí...thực hiện các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đối với các khoản chi tiêu hành chính. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh, Bưu điện tỉnh, đơn vị liên quan chỉ đạo các đơn vị, tổ chức liên quan phối hợp với các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai việc trả lương hưu, trợ cấp xã hội cho các đối tượng thụ hưởng, phù hợp với điều kiện và nhu cầu của người thụ hưởng. Các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ động llồng ghép các nội dung về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt vào các đề án, dự án, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội hằng năm./.