DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2025 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

19/11/2024 16:50
Ngày 18/11/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 226/KH-UBND về Triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2025 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Thực hiện Công văn số 6289/BNN-TY ngày 23/8/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc khẩn trương xây dựng kế hoạch chủ động phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm năm 2025; Công văn số 7361/BNN-TY ngày 01/10/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí phòng, chống dịch bệnh năm 2025; Đ chủ động ngăn chặn và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2025, với những nội dung cụ thể như sau:

Mục đích, đối với dịch động vật trên cạn, yêu cầu:

Bệnh Dại động vật: phòng, chống bệnh Dại cho đàn chó, mèo chính là để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, tiến tới loại trừ bệnh dại và sẽ không còn người tử vong do bệnh Dại.

Bệnh Cúm gia cầm (CGC): để kiểm soát, hạn chế thấp nhất dịch bệnh Cúm gia cầm xảy ra và lây lan; phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý kịp thời; giảm thiểu tác động tiêu cực của bệnh CGC đối với môi trường, người chăn nuôi và sức khỏe cộng đồng.

Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP): phát hiện sớm, cảnh báo, áp dụng kịp thời, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh DTLCP nhằm giảm thiểu tổn thất về kinh tế, hạn chế tác động xấu đến môi trường.

Bệnh Lở mồm long móng (LMLM): kiểm soát hiệu quả công tác phòng, chống bệnh LMLM trên địa bàn tỉnh.

Bệnh Viêm da nổi cục trâu bò: tổ chức thực hiện hiệu quả công tác phòng bệnh cho trâu bò trên địa bàn tỉnh.

Dịch bệnh gia súc, gia cầm khác: để kiểm soát và tiêm phòng bệnh bằng vắc xin; ngăn chặn, khống chế có hiệu quả các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Đối với dịch bệnh thủy sản, yêu cầu:

Giám sát, phát hiện và khống chế kịp thời một số bệnh nguy hiểm trên đối tượng thủy sản nuôi, không để mầm bệnh lây lan. Ngăn chặn có hiệu quả một số tác nhân gây bệnh nguy hiểm, các bệnh mới nổi có nguy cơ xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh; giám sát chủ động dịch bệnh, quan trắc và xử lý môi trường, phân tích biến động về ô nhiễm môi trường để dự báo và cảnh báo những ảnh hưởng của dịch bệnh xảy ra đối với các vùng, ao, hồ nuôi trồng thủy sản; hạn chế thấp nhất thiệt hại về kinh tế khi dịch bệnh xảy ra.

UBND tỉnh yêu cầu:

Tổ chức thực hiện tốt việc tiêm phòng vắc xin các loại (Dại, CGC, LMLM, VDNC,...) cho đàn gia súc, gia cầm trong diện tiêm tại các địa phương; chú trọng các vùng có nguy cơ cao, ổ dịch cũ, chợ buôn bán gia súc, gia cầm.

Công tác tiêm phòng vắc xin: phải đảm bảo kỹ thuật, kịp thời, đúng đối tượng, đúng chủng loại, liều lượng,... và đáp ứng nhanh, gọn theo Kế hoạch đã được phê duyệt.

Đảm bảo an toàn cho người và động vật khi thực hiện tiêm phòng.

Chủ động giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh động vật và thủy sản để có biện pháp xử lý kịp thời không để dịch lây lan diện rộng. Chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất sát trùng, vắc xin, nhân lực và phương án xử lý tình huống (nếu có) sự cố không mong muốn xảy ra.

Cần làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật Chăn nuôi, Luật Thú y, Luật Thủy sản, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và chỉ đạo của Chính phủ, thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bằng nhiều hình thức, trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân và huy động các nguồn lực tham gia phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và thủy sản, nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây từ động vật sang người./.