DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Triển khai Chương trình ứng dụng "Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây trồng chủ lực và lợi thế của tỉnh giai đoạn 2023- 2030”

25/05/2023 17:00
Ngày 24/5/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 109/KH-UBND về thực hiện Chương trình ứng dụng "Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây trồng chủ lực và lợi thế của tỉnh giai đoạn 2023- 2030".

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm mạnh ứng dụng Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) nhằm chủ động phòng chống sinh vật gây hại cây trồng, giảm chi phí đầu vào, giảm hóa chất độc hại, giảm phát thải khí nhà kính, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu,góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021 ‑ 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Xác định các hoạt động cụ thể, cần ưu tiên thực hiện để thúc đẩy ứng dụng IPHM trên cây trồng chủ lực và lợi thế của tỉnh nhằm nâng cao vai trò chủ động của người nông dân trong quản lý đồng ruộng thời kỳ công nghệ số.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 có ít nhất 5 giảng viên IPHM quốc gia; 20 giảng viên IPHM cấp tỉnh; 2 hướng dẫn viên IPHM cộng đồng và 05 nông dân IPHM nòng cốt/xã; trên 80% số xã, phường có đội ngũ nông dân nòng cốt có hiểu biết, kỹ năng và ứng dụng hiệu quả IPHM, có khả năng hướng dẫn nông dân khác ứng dụng IPHM, đánh giá hiệu quả và phổ biến kết quả cho cộng đồng; phấn đấu trên 80% diện tíchcây trồng chủ lực và lợi thế của tỉnh ứng dụng IPHM (lúa, ngô, mía,chè, cây ăn quả, cây rau màu,...);qua đó giảm 30% lượng thuốc bảo vệ thực vật và 30% lượng phân bón hóa học; trên 90% số xã thực hiện thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và chất thải nhựa trong sản xuất trồng trọt đúng theo quy định; 100% các huyện, thành phố tổ chức xây dựng và thực hiện có hiệu quả mô hình ứng dụng IPHM trong sản xuất các cây trồng chủ lực và có lợi thế.

Để đạt được mục tiêu trên, Kế hoạch đã xây dựng 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, gồm: Truyền thông nâng cao nhận thức về IPHM; xây dựng tài liệu hướng dẫn về IPHM; đào tạo, tập huấn, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực IPHM; xây dựng và nhân rộng mô hình IPHM trong cộng đồng; nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ; rà soát, đề xuất chính sách thúc đẩy ứng dụng IPHM

Ủy ban nhân dân tỉnh giao sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với tình hình thức tế của đơn vị, đảm bảo thực hiện các mục tiêu đề ra. Báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 05 tháng 12 hàng năm để tổng hợp báo cáo theo quy định.

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính cân đối, đề xuất lồng ghép từ các nguồn kinh phí được ngân sách bố trí hàng năm cho ngành Nông nghiệp để trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phân khai kinh phí thực hiện Kế hoạch. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung, xây dựng các chính sách mới bảo đảm cho việc thực hiện mục tiêu của Kế hoạch. Chủ trì, phối hợp với địa phương triển khai Kế hoạch hành động thúc đẩy ứng dụng IPHM trên cây trồng chủ lực và lợi thế tại tỉnh. Phối hợp góp ý khung chương trình đào tạo và tài liệu tập huấn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự thảo. Kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Kế hoạch; tổng hợp tiến độ thực hiện từ các địa phương, báo cáo Ủy ban nhân dântỉnh; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định.

Sở Tài chính hàng năm, căn cứ số kinh phí ngân sách trung ương giao và khả năng ngân sách địa phương; Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ ngân sách trung ương, bố trí ngân sách địa phương để thực hiện Kế hoạch đối với những nội dung chi từ nguồn vốn chi thường xuyên và các nguồn hợp pháp khác. Hướng dẫn các đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện thanh, quyết toán theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước.

Sở Khoa học và Công nghệ tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt danh mục các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh liên quan đến nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ chọn tạo giống mới, nghiên cứu chuyển giao những ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác trên địa bàn tỉnh. Tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đăng ký đặt hàng với Bộ khoa học và Công nghệ các dự án liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, điều chỉnh các chính sách triển khai thực hiện.

Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, nông dân tích cực áp dụng IPHM vào sản xuất nhằm quản lý sâu bệnh hiệu quả và tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Ủy ban nhân dân huyện, thành phố căn cứ tình hình thực tế của địa phươngbố trí kinh phí thực hiện các lớp huấn luyện ngắn hạn, dài hạn về áp dụng IPHM vào sản xuất cây trồng chủ lực và lợi thế của địa phương giai đoạn 2023 – 2030. Định kỳ hàng năm tổng kết, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện Kế hoạch trên địa bàn./.