DetailController

Khoa học - Môi trường

Triển khai Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh

19/05/2021 00:00
“Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2021-2030” được triển khai trên địa bàn tỉnh nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về sở hữu trí tuệ của các chủ thể, nhằm hướng tới hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh; đưa sở hữu trí tuệ trở thành động lực tăng trưởng, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về sở hữu trí tuệ, thúc đẩy các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, khuyến khích và nâng cao hiệu quả khai thác tài sản trí tuệ.
Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm OCOP góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp, HTX trong sản xuất, đảm bảo thương hiệu của sản phẩm OCOP cũng như quyền lợi người tiêu dùng

Đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo,... trên địa bàn tỉnh Hòa Bình là chủ sở hữu hợp pháp của các đối tượng sở hữu trí tuệ hoặc có quyền đăng ký đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ. Các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình chưa được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước cho nội dung đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ từ các chương trình, chính sách khác của Trung ương hoặc địa phương.

Phấn đấu đến năm 2025, số lượng đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp của cá nhân, tổ chức trong tỉnh tăng trung bình từ 3 đến 5%/năm. Hỗ trợ 100 văn bằng bảo hộ quyền Sở hữu công nghiệp được Cục Sở hữu trí tuệ cấp cho các chủ thể hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm dịch vụ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; góp phần triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình theo quy định tại Quyết định số 01/2018/QĐ-UBND ngày 11/01/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Hoạt động khai thác, thương mại hóa tài sản trí tuệ được chú trọng, đẩy mạnh; nâng cao số lượng doanh nghiệp sử dụng hiệu quả công cụ sở hữu trí tuệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy khai thác tài sản trí tuệ được tạo ra từ hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có sử dụng ngân sách Nhà nước. Nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về tạo lập, quản lý, khai thác, phát triển và bảo vệ giá trị tài sản trí tuệ cho các đối tượng: Quyền sở hữu công nghiệp, quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả; quyền đối với giống cây trồng. Tối thiểu 50% sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) tỉnh Hòa Bình được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ. Bảo đảm các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Phấn đấu năm 2030, Số lượng đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp của cá nhân, tổ chức trong tỉnh tăng trung bình từ 5 đến 9%/năm. Hỗ trợ 200 văn bằng bảo hộ quyền Sở hữu công nghiệp được Cục Sở hữu trí tuệ cấp cho các chủ thể hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm dịch vụ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho tổ chức, cá nhân được hỗ trợ đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp theo quy định tại Quyết định số 01/2018/QĐ-UBND ngày 11/01/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Hoạt động khai thác, thương mại hóa tài sản trí tuệ tiếp tục được chú trọng, đẩy mạnh; đảm bảo tất cả các doanh nghiệp sử dụng hiệu quả công cụ sở hữu trí tuệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; nâng cao tỷ lệ sáng chế được khai thác thương mại; thúc đẩy khai thác tài sản trí tuệ được tạo ra từ hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có sử dụng ngân sách Nhà nước. 100% chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh được tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật và năng lực về quản lý, khai thác và thực thi quyền Sở hữu trí tuệ. Tối thiểu 80% sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) tỉnh Hòa Bình được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ. Thực hiện xử lý 100% các hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ, chống hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ.

Nội dung chương trình gồm có: Tăng cường các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ; thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở trong và ngoài nước; nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; thúc đẩy và tăng cường hiệu quả thực thi và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; phát triển, nâng cao năng lực các tổ chức trung gian và chủ thể quyền sở hữu trí tuệ; hình thành, tạo dựng văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội; Tăng cường hiệu quả các hoạt động quản lý và hợp tác về sở hữu trí tuệ…/.