Năm 2019, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi ở thể nhẹ cân là 16%; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em ở thể thấp còi là 24,2%; tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi được uống Vitamin A đạt 100%; tỷ lệ phụ nữ sau đẻ được uống đạt trên 90%. Công tác truyền thông, giáo dục thực hành dinh dưỡng hợp lý được thực hiện thường xuyên nhằm nâng cao nhận thức thay đổi hành vi bằng các hình thức đa dạng, phong phú về hình thức và nội dung. Tuy nhiên, Hòa Bình là tỉnh miền núi nghèo, còn gặp nhiều khó khăn nhất là trong việc truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân ở vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hướng dẫn thực hành dinh dưỡng, trang thiết bị, tài liệu. Tại đây, thói quen, phong tục tập quán còn lạc hậu, các gia đình có thói quen cho trẻ ăn dặm sớm. Bên cạnh đó, mặc dù chế độ thai sản mẹ được nghỉ 6 tháng nhưng phụ nữ nông thôn đi làm sớm nên trẻ không được chăm sóc và bú sữa đầy đủ từ người mẹ. Vấn đề an ninh lương thực chưa đảm bảo, người dân chưa biết tận dụng nguồn thực phẩm sẵn có tại địa phương. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có cán bộ chuyên sâu về dinh dưỡng, mạng lưới nhân viên y tế thông bản tại các thị trấn, phường có sự thay đổi.
Chương trình “Chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời nhằm phòng chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam” được triển khai từ năm 2020 đến năm 2030 nhằm mục tiêu cải thiện tình trạng dinh dưỡng của phụ nữ có thai và trẻ em dưới 2 tuổi, góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực người dân trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Theo đó, mục tiêu của chương trình đưa ra đến năm 2025, tỷ lệ SDD thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi là ≤ 22,4%; năm 2030 là ≤ 20,4%; tỷ lệ SDD thể nhẹ cân, năm 2025 ≤ 14,5%; năm 2030 ≤ 12,5%; tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh thấp (dưới 2500 gram) năm 2025: dưới 5%, năm 2030: dưới 3%; tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai, năm 2025: dưới 23%, riêng ở vùng miền núi dưới 25,5%. Nâng cao tỷ lệ thực hành về chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu cho người chăm sóc trẻ. Cụ thể, năm 2025: 85% bà mẹ thực hành cho trẻ bú sớm và 70% bà mẹ cho trẻ bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời; 60% bà mẹ tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến khi trẻ được 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn; 70% bà mẹ cho trẻ từ 6-24 tháng tuổi ăn bổ sung đúng cách. Đến năm 2030, 90% bà mẹ thực hành cho trẻ bú sớm, 80% bà mẹ cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; 80% bà mẹ tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến khi trẻ 24 tháng tuổi; 90% bà mẹ cho trẻ từ 6-14 tháng tuổi ăn bổ sung đúng cách.
Để thực hiện các mục tiêu của chương trình, từng địa phương cần xây dựng các chỉ tiêu về dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời và đưa vào hệ thống chỉ tiêu phát triển KT, XH; xây dựng thực đơn dinh dưỡng phù hợp theo nhóm đối tượng và vùng miền; lồng ghép các chỉ tiêu về dinh dưỡng trong chương trình này với các chỉ tiêu về dinh dưỡng của các chương trình liên quan tại địa phương. Huy động, khuyến khích sự tham gia của các đoàn thể nhân dân và các doanh nghiệp tham gia thực hiện kế hoạch về dinh dưỡng. Có chính sách về dinh dưỡng, thực phẩm, nghỉ thai sản…hợp lý, hỗ trợ cho vùng nghèo, vùng khó khăn, vùng đồng bảo dân tộc thiểu số; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ tiêu về dinh dưỡng; các chính sách liên quan. Đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, vận động thay đổi hành vi về chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời…/.