DetailController

Chỉ đạo điều hành

Triển khai các nhiệm vụ Đề án nâng cao sức khỏe đất trồng trọt và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

04/11/2024 15:00
Để triển khai thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án nâng cao sức khỏe đất trồng trọt và quản lý dinh dưỡng cây trồng được đồng bộ, hiệu quả, nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển sản xuất trồng trọt bền vững. Ngày 01/11, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Công văn số 2013/UBND-KTN về việc triển khai các nhiệm vụ Đề án nâng cao sức khỏe đất trồng trọt và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Tập trung chăm sóc các loại cây trồng năm 2024 đảm bảo trong khung thời vụ

Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, các chính sách liên quan. Hướng dẫn sử dụng hiệu quả bản đồ thổ nhưỡng và phân hạng thích nghi đất sản xuất nông nghiệp tỉnh Hòa Bình đã ban hành. Phổ biến, hướng dẫn người sản xuất áp dụng các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ sức khỏe đất trồng trọt và quản lý dinh dưỡng cây trồng, hướng tới sản xuất trồng trọt bền vững. Tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể thực hiện Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã được giao tại các Đề án, Kế hoạch và Công văn chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh nhằm cụ thể hóa mục tiêu của Đề án, ổn định và nâng cao sức khỏe đất trồng trọt và quản lý dinh dưỡng hiệu quả nhằm hạn chế suy thoái đất. Triển khai thực hiện thí điểm, nhân rộng mô hình quản lý sức khỏe đất gắn với phát triển trồng trọt bền vững đối với cây trồng chủ lực tại một số vùng sản xuất tập trung. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã tăng cường nâng cao năng lực quản lý và chủ động phối hợp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về quản lý đất sản xuất trồng trọt; các hành vi gây ô nhiễm môi trường đất, thoái hóa đất hoặc sử dụng đất không đúng mục đích, làm ảnh hưởng đến chất lượng và sức khỏe đất trồng trọt trên địa bàn quản lý theo đúng quy định. Lồng ghép các nội dung về nâng cao sức khỏe đất trồng trọt và quản lý dinh dưỡng cây trồng vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách để điều phối, bố trí nguồn kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ của Đề án. Tổng hợp kế quả triển khai thực hiện Đề án, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi được yêu cầu.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh về định hướng, quản lý sử dụng đất trồng trọt, đặc biệt đất trồng lúa; định hướng phát triển vùng sản xuất trồng trọt tập trung phù hợp quy hoạch của tỉnh và các quy hoạch khác có liên quan. Thực hiện nhiệm vụ xác định vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao; đánh giá tính chất lý, hóa học và xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng vùng đất chuyên trồng lúa của tỉnh theo định kỳ 05 năm/lần. Tham mưu xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách chương trình, đề án, dự án của địa phương về quản lý, nâng cao sức khỏe đất gắn với phát triển sản xuất trồng trọt bền vững phù hợp với điều kiện thực tế; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về sức khỏe đất và cơ sở dữ liệu lĩnh vực trồng trọt của tỉnh tích hợp với cơ sở dữ liệu đất và phân bón quốc gia. Hướng dẫn, đào tạo, tập huấn, xây dựng và chuyển giao các mô hình khuyến nông về quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vê thực vật sinh học, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, áp dụng các công nghệ canh tác tiên tiến, an toàn… trên các loại cây trồng chủ lực của tỉnh gắn với liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm tại các địa phương. Tăng cường công tác tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp trong canh tác, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Theo dõi, kiểm tra đôn đốc việc triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ, kế hoạch. Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Tổng hợp kết quả của các Sở, Ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; đánh giá tình hình thực hiện Đề án theo quy định, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi có yêu cầu.

Sở Khoa học và Công nghệ: Chủ trì, phối hợp các Sở, ngành Tỉnh và cơ quan nghiên cứu trong việc đề xuất, đặt hàng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về sức khỏe đất gắn với phát triển sản xuất trồng trọt bền vững phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.

Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi gây ô nhiễm môi trường đất, thoái hóa đất hoặc sử dụng đất không đúng mục đích, làm ảnh hưởng đến chất lượng và sức khỏe đất trồng trọt trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

Sở Kế hoạch và Đầu tư: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Sở, ngành liên quan đề xuất cơ chế, chính sách, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp lập dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đầu tư kinh doanh, sản xuất phân bón đặc biệt phân bón hữu cơ, phân bón thân thiện với môi trường và thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Tham mưu nguồn vốn đầu tư công và các nguồn vốn khác để thực hiện các dự án liên quan đến cải tạo, nâng cao sức khỏe đất trồng trọt trên địa bàn tỉnh.

Sở Tài chính: Trên cơ sở đề xuất của đơn vị được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ, Sở Tài chính tham mưu, trình Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối, bố trí nguồn kinh phí thực hiện theo quy định.

Đề nghị Hội nông dân tỉnh: Phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền cho người sản xuất trồng trọt và các tổ chức, các cá nhân liên quan về quy định pháp luật; vai trò của sức khỏe đất hướng tới sản xuất trồng trọt bền vững. Tuyên truyền vận động người sản xuất sử dụng phân bón hưu cơ, xây dựng các mô hình sản xuất phân bón tái sử dụng phụ phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, rác thải sinh học. Hướng dẫn áp dụng vào sản xuất trồng trọt đạt hiệu quả, giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Các Sở, ngành liên quan: Căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện tốt các nội dung của Đề án.

Yêu cầu các Sở, Ban, Ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị quan tâm triển khai thực hiện./.