Theo Kế hoạch, các hoạt động chính sẽ được triển khai gồm có: Xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động trong Tháng hành động năm 2021 tại đơn vị, địa phương; Tổ chức tuyên truyền về chủ đề, thông điệp và các hoạt động của Tháng hành động trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với từng nhóm đối tượng như: Treo băng rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích, tờ rơi tuyên truyền; truyền thông trực tiếp tại cơ sở thông qua hoạt động nói chuyện chuyên đề; tuyên truyền trên hệ thống đài phát thanh, truyền hình; hệ thống thông tin cơ sở ở các xã, phường, thị trấn; truyền thông xã hội qua các trang thông tin điện tử, kênh mạng xã hội...;
Căn cứ vào điều kiện cụ thể lựa chọn hình thức tuyên truyền phù hợp như: Tổ chức các diễn đàn, đối thoại, tọa đàm, hội thảo, tập huấn về các nội dung liên quan đến chủ đề của Tháng hành động năm 2021; tuyên truyền về các chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho người dân nói chung và phụ nữ, trẻ em nói riêng, đặc biệt là các đối tượng bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, vai trò của việc tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái trong việc thúc đẩy bình đẳng giới. Tổ chức các cuộc thi về chủ đề bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (thi tìm hiểu pháp luật, thi sáng tác, thi sân khấu hóa, hội diễn tuyên truyền viên giỏi), giao lưu văn nghệ, thể thao...; tổ chức hoạt động hỗ trợ các nạn nhân, phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; biểu dương những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong công tác bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em nói chung và công tác triển khai Tháng hành động năm 2021 nói riêng.
Phát hành rộng rãi các sản phẩm truyền thông về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại tình dục với phụ nữ và trẻ em. Đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực để triển khai Tháng hành động, tăng cường xã hội hóa các hoạt động truyền thông và hỗ trợ phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, nạn nhân bị xâm hại, bạo lực, mua bán, bóc lột. Triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; các cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ bình đẳng giới và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tăng cường công tác truyền thông, tư vấn, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
Tăng cường các hình thức kiểm tra về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trong Tháng hành động. Xử lý nghiêm các vụ vi phạm về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới và trong thực hiện các chính sách hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội. Cập nhật các tin, bài về hoạt động triển khai Tháng hành động tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình để đăng tải trên trang thông tin điện tử và các cơ quan thông tin đại chúng khác.
Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới là điểm nhấn, tạo nên một chiến dịch truyền thông vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên phạm vi toàn tỉnh; thu hút sự quan tâm, đề cao vai trò, trách nhiệm và tính chủ động tham gia hành động của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong việc đảm bảo an sinh xã hội, tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.
Qua đó, đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền, giáo dục về các chính sách an sinh xã hội, bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Các hoạt động của Tháng hành động cần được tổ chức thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm; lồng ghép với các sự kiện khác để tạo hiệu ứng về truyền thông đặc biệt cần tuân thủ các quy định của cơ quan y tế về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đảm bảo an toàn, phù hợp với diễn biến của dịch bệnh và tình hình thực tiễn tại địa phương, đơn vị. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách và triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động./.