DetailController

Thời sự trong ngày

Triển khai các giải pháp thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI

21/06/2022 00:00
Ngày 20/6/2022, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND về thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI.

Để đạt được mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Hòa Bình năm 2022 và những năm tiếp theo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, các cơ quan, đơn vị liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung triển khai thực hiện ngay một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ để nâng cao chất lượng công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Người đứng đầu các sở, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị được giao là đầu mối chỉ đạo và triển khai các chỉ số thành phần phải chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về các chỉ tiêu theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ; Kế hoạch thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Hòa Bình năm 2022 ban hành kèm theo Quyết định số 117/QĐ-UBND ngày 20 tháng 01 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình.

Các cơ quan đầu mối các mục tiêu theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ bao gồm: Sở Khoa học và Công nghệ (đầu mối chỉ tiêu về Đổi mới sáng tạo), Sở Công Thương (đầu mối chỉ tiêu về Hiệu quả logistics), Sở Thông tin và Truyền thông (đầu mối chỉ tiêu về Chính phủ điện tử) và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (đầu mối chỉ tiêu về Năng lực cạnh tranh du lịch) phải chủ động, tiếp tục bám sát các Bộ, ngành đầu mối để triển khai hiệu quả ở cấp địa phương.

Các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ tại Biểu số 01, 02, 03 ban hành kèm theo Chỉ thị này, khẩn trương triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả, đảm bảo duy trì, phát huy 37 chỉ tiêu nhỏ năm 2021 có thứ hạng từ 01 đến 31 so với các tỉnh, thành phố, không để tụt hạng; Cải thiện thứ bậc đối với chỉ tiêu nhỏ năm 2021 có thứ hạng từ 32 trở xuống, nhất là đối với các chỉ tiêu đang đứng ở cuối bảng xếp hạng, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về thứ hạng các chỉ số thuộc trách nhiệm cơ quan, đơn vị mình.

Nâng cao tính minh bạch; xây dựng chuyên mục Hỗ trợ doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh; fanpage DDCI của sở/ngành và địa phương. Tăng cường công tác đấu thầu qua mạng cũng như ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính và các nhu cầu của nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Tích cực, chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp thiết thực, cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; kịp thời giải quyết các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp bằng văn bản (có thời hạn cụ thể) và công khai các kiến nghị và quá trình giải quyết kiến nghị của nhà đầu tư, doanh nghiệp trên các Cổng thông tin điện tử của tỉnh, sở, ngành và địa phương.

Rà soát chặt chẽ, nâng cao chất lượng công chức, viên chức, nhất là tại Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh và huyện, thành phố, các sở, ngành, phòng ban thường xuyên tiếp xúc với doanh nghiệp và nhà đầu tư; đổi mới phong cách làm việc của từng cán bộ công chức, từng đơn vị và phương pháp đánh giá chất lượng công chức, viên chức, nhằm nâng cao trách nhiệm, thái độ ứng xử làm việc của đội ngũ cán bộ tiếp xúc làm việc trực tiếp với nhà đầu tư, doanh nghiệp; nghiêm túc, kiên quyết thay thế những người không đủ năng lực, trình độ và phẩm chất; thực hiện nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương công chức trong thực thi công vụ.

Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, đôn đốc các sở, ban, ngành và địa phương liên quan giải quyết dứt điểm các vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp; tham mưu các giải pháp triển khai có hiệu quả Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đảm bảo bám sát nhu cầu và phù hợp với thực tiễn của doanh nghiệp; công khai danh sách doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh ngành nghề cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và chủ trì nghiên cứu đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp này. Chủ trì triển khai đánh giá hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để tham mưu, đề xuất giải pháp phù hợp, sát thực tiễn. Chủ trì, phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh mời Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo, tập huấn, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ các giải pháp để nâng cao chỉ số PCI (thành phần tham gia có các sở, ngành, các huyện, thành phố, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh).

Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn toàn tỉnh; tiếp tục phối hợp với các địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện việc công khai quỹ đất sạch trên các Cổng Thông tin điện tử; tháo gỡ và giải quyết hiệu quả khó khăn vướng mắc cho các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tiếp cận đất đai.

Sở Thông tin và Truyền thông rà soát, đôn đốc nâng cao hiệu quả của Cổng thông tin điện tử của tỉnh trong việc Hỗ trợ doanh nghiệp; đôn đốc các sở, ngành, địa phương nâng cao hiệu quả hoạt động của các trang điện tử, nhất là các chuyên mục hỗ trợ doanh nghiệp trực tuyến; chủ trì nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả, tăng cường tính tương tác của trang Fanpage DDCI Hòa Bình. Phối hợp với các sở, ngành, địa phương theo dõi, cung cấp thông tin phản hồi và biện pháp xử lý kịp thời để tránh ảnh hưởng tới môi trường đầu tư kinh doanh và PCI của tỉnh.

Ban Quản lý các khu công nghiệp, Sở Công Thương chủ trì triển khai, theo dõi và đánh giá quá trình triển khai chính sách hỗ trợ đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp để có giải pháp điều chỉnh kịp thời, phù hợp.

Người đứng đầu các địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan li ên quan để rà soát, nắm bắt cụ thể tình hình thực hiện dự án của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trên địa bàn, từ đó nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư “tại chỗ” và hỗ trợ doanh nghiệp ngày càng đi vào thực chất.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, chỉ đạo các cơ sở đào tạo nghề triển khai khảo sát, nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động của các nhà đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; dự báo xu thế để tham mưu triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn lao động; Tham mưu chính sách hỗ trợ đào tạo, tuyển dụng lao động chất lượng cao, đề xuất Đề án phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.

Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh chủ trì, tiếp tục giám sát, nắm bắt chặt chẽ thông tin cũng như quá trình giải quyết TTHC tại Trung tâm, đặc biệt lưu ý đến chất lượng, tỷ lệ giải quyết thủ tục đúng hạn; Đánh giá toàn diện đội ngũ công chức, viên chức cử đến làm việc tại Trung tâm để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây bức xúc với doanh nghiệp.

Thanh tra tỉnh thường xuyên rà soát, cập nhật, công khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp để tránh trùng lặp, chồng chéo; đảm bảo nguyên tắc không thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/doanh nghiệp/năm. Tăng cường các kênh phát hiện thông tin, tiếp nhận ý kiến phản hồi của doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế về tố cáo hành vi nhũng nhiễu và có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ nhằm kiểm soát, ngăn chặn kịp thời hành vi có biểu hiện nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các cơ chế chính sách của tỉnh đến cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; hoàn thành trình phê duyệt Bộ tiêu chí và tổ chức khảo sát DDCI Hòa Bình 2022; tham mưu tổ chức Lễ công bố DDCI 2022 trong tháng 11 năm 2022. Phối hợp các sở, ngành, địa phương tổ chức các buổi đối thoại với những biện pháp, hình thức cụ thể, đạt hiệu quả, thiết thực; cầu nối với các sở, ban, ngành và địa phương để nắm bắt, giải quyết triệt để các kiến nghị của doanh nghiệp.

Báo Hòa Bình, Đài phát thanh - Truyền hình tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh nghiên cứu và đa dạng cách thức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi tới cộng đồng doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ về các chủ trương, chính sách của tỉnh có tác động trực tiếp tới doanh nghiệp, những nỗ lực của tỉnh trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh PCI, DDCI./.