DetailController

Kinh tế

Triển khai các dự án nhằm phát triển văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

14/04/2022 00:00
Hòa Bình là một trong 10 tỉnh trên phạm vi toàn quốc có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, với dân số toàn tỉnh 85,4 vạn người, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 74,43% dân số. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của tỉnh Hòa Bình trải dài và bao phủ khắp các huyện, thành phố với 145/151 xã, phường, thị trấn.
Tăng cường công tác y tế cơ sở để đồng bào DTTS được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại

Những năm qua, lĩnh vực y tế chăm sóc sức khỏe ở vùng đồng bào DTTS&MN đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng tỷ lệ người DTTS có sử dụng thẻ bảo hiểm y tế để khám, chữa bệnh mới đạt 95,67%. Tỷ lệ trẻ em người dân tộc thiểu số suy dinh dưỡng còn cao; tầm vóc thể trạng người dân tộc thiểu số chưa được cải thiện. Mặt khác, do điều kiện kinh tế cũng như đường giao thông đi lại còn nhiều khó khăn làm ảnh hưởng đáng kể đến khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân ở vùng đồng bào DTTS&MN. Thực trạng này là khá phức tạp bởi tỷ lệ phụ nữ có thai được khám thai đầy đủ có liên quan trực tiếp đến tỷ suất tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi cũng như việc ảnh hưởng tới chất lượng dân số. Vì vậy, lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe người dân đòi hỏi có sự quan tâm đầu tư rất lớn trong giai đoạn 2021 - 2030 thì mới đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS&MN.

Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, các chính sách giáo dục cho con em đồng bào DTTS đã và đang phát huy tác dụng, huy động hầu hết trẻ em trong độ tuổi đến trường, học sinh DTTS được học tiếng phổ thông, học văn hóa, được giao lưu và tiếp cận thông tin, khoa học kỹ thuật. Mặc dù vậy, chất lượng giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu, cơ sở vật chất và trang thiết bị còn rất thiếu chưa đáp ứng nhu cầu dạy và học cho con em các dân tộc thiểu số.

Việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số đã được quan tâm, nhiều lễ hội văn hóa truyền thống đã được phục dựng, gìn giữ được một số mô hình làng, bản văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch. Tuy nhiên, hiện nay tồn tại thực trạng đáng quan tâm về nguy cơ khó lưu giữ và bảo vệ các giá trị văn hóa vật thể đa dạng, phong phú như: nhà cửa, đền thờ, miếu mạo, đặc biệt là các di tích văn hóa, lịch sử, tự nhiên…; trang phục, lễ phục truyền thống và công cụ, dụng cụ, nhạc cụ… cùng các giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc như ngôn ngữ truyền thống, tín ngưỡng dân tộc, phong tục tập quán tốt đẹp của cộng đồng các DTTS cũng đang đứng trước nguy cơ mai một. Số người không biết nói tiếng dân tộc của mình ngày càng tăng; dân ca, dân vũ, nhạc cụ truyền thống của nhiều DTTS chỉ được phục dựng khi lễ hội, ít được diễn ra trong đời sống hàng ngày. Do đó, nếu không có chính sách để đầu tư, hỗ trợ cho sự nghiệp văn hóa thì sẽ khó bảo tồn và phát triển sự đa dạng những bản sắc văn hóa đặc sắc của các DTTS.

Để phát triển văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2021-2025, tỉnh ta sẽ triển khai một số tiểu dự án nhằm phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực như: Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đáp ứng nhu cầu nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu  số; Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi, phấn đấu đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh lên khoảng 63%; Đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp, mục tiêu nhằm đạo tạo, bồi dưỡng cho 6.451 cán bộ và 14.488 người dân và cộng đồng cấp thôn, xóm. Trong lĩnh vực y tế, văn hóa, triển khai các Dự án như: Bảo tồn,  phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn với tiểu dự án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhận cận huyết thống trong vùng đồng bảo dân tộc thiểu số và miền núi…

Thông qua việc triển khai các dự án, tiểu dự án nhằm mục tiêu phấn đấu năm đến 2025 tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường 99,9%, học sinh trong độ tuổi tiểu học duy trì ổn định 100%, học trung học cơ sở 98,8%, người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông đạt 95%. Trên 98% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế. Trên 95% phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 15%. Khoảng 63% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số. Bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; trên 80% thôn, xóm có nhà sinh hoạt cộng đồng; 50% thôn có đội văn hóa, văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng./.