Cơ cấu cây trồng tiếp tục được chuyển đổi theo hướng đáp ứng nhu cầu của thị trường, định hướng chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây có giá trị kinh tế. Ước 6 tháng đầu năm 2022 toàn tỉnh chuyển đổi được trên 1.300 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các cây trồng khác. Một số cây trồng được trồng chuyển đổi chủ yếu gồm: Ngô; rau đậu các loại (bí xanh, bí đỏ...); mía và một số cây trồng hàng năm khác.
Hiện toàn tỉnh có trên 10 ngàn ha cây ăn quả có múi, trong đó diện tích kinh doanh đạt trên 7.500 ha; sản lượng niên vụ 2021 – 2022 đạt 166,7 nghìn tấn. Nhiều diện tích cây có múi đã già cỗi, bị sâu bệnh nên chặt bỏ và cần một thời gian dài cải tạo đất trước khi được trồng mới. Hiện nay cam vườn kiến thiết phát triển thân – lộc thành thục; vườn kinh doanh phát triển quả ổn định. Chi cục đã hướng dẫn các đại phương áp dụng các biện pháp kỹ thuật tăng khả năng đậu quả và chống rụng quả đối với cây ăn quả có múi. Trong tỉnh đã xây dựng và thực hiện một số mô hình liên kết sản xuất, chuỗi giá trị trong sản xuất trồng trọt hình thành các vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Tới nay diện tích sản xuất trồng trọt được chứng nhận đủ điểu kiện an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ đạt 2.286 ha trong đó: Diện tích cây có múi được chứng nhận là 1.651 ha; diện tích rau an toàn các loại 308,53 ha và cây trồng khác được chứng nhận 326,38 ha.
Thực hiện mô hình liên kết trong sản xuất cây gai xanh AP của Công ty CP tập đoàn An Phước để làm nguyên liệu phục vụ công nghiệp dệt may. Hiện đang triển khai tại các huyện Đà Bắc, Kim Bôi, Lạc Sơn với quy mô diện tích đạt trên 200 ha, dự kiến cuối năm 2022 đạt quy mô diện tích trên 500 ha. Cây gai xanh được kỳ vọng thay thế một số diện tích cây trồng kém hiệu quả như sắn, ngô, mía đường nguyên liệu và một số diện tích nhiễm nặng bệnh khảm lá sắn./.