Tình hình thiên tai năm 2016 có nhiều điểm khác biệt so với quy luật và nhiều năm gần đây. Mùa mưa, bão, lũ kết thúc sớm (từ tháng 5 đến cuối tháng 10). Một số hiện tượng thời tiết cực đoan đã xuất hiện bất thường: mưa tuyết, mưa đá kèm giống lốc. Trong tháng 7 và 8 tỉnh Hoà Bình chịu ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 1và cơn bão số 3 gây lũ lớn làm thiệt hại nhiều tài sản, hoa màu của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra còn chịu ảnh hưởng của 13 đợt không khí lạnh, 9 đợt không khí lạnh tăng cường mạnh, nhiệt độ thấp nhất là ở Lạc Sơn 4,5°C; 13 đợt nắng nóng cục bộ, cao nhất là 40,7°C tại thành phố Hoà Bình; các đợt mưa lũ không xảy ra đồng loạt mà mang tính cục bộ, tổng lượng mưa là 1.388mm ít hơn so với cùng kỳ năm trước 241,5mm; tổng số trận lũ xuất hiện trên sông, suối là 10 trận…Thiên tai đã làm chết 04 người, bị thương 05 người; 414 nhà bị hư hỏng hoàn toàn; trên 6 nghìn nhà bị sạt lở đất; 9.546 m³ đất đá bị sạt lở cuốn trôi; thiệt hại trên 2.500 ha lúa, gần 4 nghìn ha hoa màu; 185,47 ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản; 93.187 con gia cầm chết; nhiều công trình bai, kênh mương các huyện: Lương Sơn, Kim Bôi, Lạc Sơn, Mai Châu, Tân Lạc, Đà Bắc bị lũ cuốn trôi, hư hỏng nặng…Ước tính tổng thiệt hại khoảng trên 421 tỷ đồng.
Ngay sau khi có thiên tai xảy ra, BCH phòng, chống thiên tai và TKCN cấp tỉnh cũng như các địa phương đã kịp thời triển khai các phương án khắc phục hậu quả theo phương châm “4 tại chỗ”, kịp thời thăm hỏi, động viên và giúp đỡ các gia đình bị nạn. Năm 2016, Quỹ phòng chống thiên tai đã hỗ trợ cho các địa phương bị thiệt hại do thiên tai với tổng số tiền khoảng 11,2 tỷ đồng.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá làm rõ thêm kết quả chỉ đạo, điều hành, ứng phó thiên tai, những khó khăn và rút ra bài học kinh nghiệm. Từ đó cho thấy rằng, ở một số địa phương triển khai thực hiện Luật phòng chống thiên tai còn chậm, công tác ứng cứu còn bị động, trang thiết bị, phương tiện còn thô sơ và yếu; công tác tuyên truyền còn nhiều hạn chế…
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, năm 2017, bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng xuất hiện sớm và số lượng hoạt động cao hơn trung bình nhiều năm, tuy nhiên khả năng ảnh hưởng đến nước ta ít hơn; nhiệt độ trong bình trong 6 thang tới phổ biến cao hơn, nắng nóng trên toàn quốc có xu hướng xuất hiện muộn và khả năng kéo dài. Quan điểm chỉ đạo trong năm 2017 được xác định là “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả, trong đó lấy chủ động phòng, tránh là chính”.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu ý kiến của các đại biểu dự. Từ những bài học kinh nghiệm rút ra trong công tác ứng phó với thiên tai năm 2016, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”; phải chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai, kế hoạch ứng cứu sự cố theo trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, phù hợp với từng địa phương, từng ngành; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, luôn luôn sẵn sàng, kịp thời với các tình huống thiên tai có thể xảy ra; tiếp tục rà soát, xác định chính xác từng khu vực trọng điểm xung yếu; rà soát phân loại và đánh giá mức độ an toàn tất cả các hồ chức trên địa bàn tỉnh; xây dựng phưng án đảm bảo an toàn cho từng khu vực, công trình. Đặc biệt phải phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan, tổng hợp tình hình và đề xuất với UBND tỉnh xây dựng cơ chế, kinh phí, tập huấn, hỗ trợ cũng như các biện pháp đối phó khi có tình huống xảy ra./.