Ngay sau khi Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo có hiệu lực thi hành, UBND tỉnh Hòa Bình đã tổ chức quán triệt, tuyên truyền và yêu cầu các cấp, các ngành tổ chức quán triệt các nội dung của luật đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị, thực hiện cụ thể hóa các quy định của luật trong tiếp nhận, xử lý và giải quyết đối với những khiếu nại tố cáo (KNTC) phát sinh thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Từ khi Luật Khiếu nại, Luật tố cáo có hiệu lực đến nay, các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã tiếp 5.187 lượt người. Trong kỳ báo cáo có 3.362 lượt người đến trụ sở tiếp công dân tỉnh để nộp đơn và KNTC, Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp tiếp trên 1.000 lượt người. Các cấp, ngành đã nhận, phân loại và xử lý 4.545 lượt đơn các loại.
Chủ tịch UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước trong tiếp công dân, giải quyết KNTC và tiến hành kiểm tra, rà soát các vụ việc tồn đọng, phức tạp kéo dài, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đã tích cực triển khai thực thi chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh. Các cơ quan Thanh ra đã chủ động tham mưu, phối hợp giải quyết KNTC và tiếp công dân, xử lý đơn thư được thực hiện đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định.
Nhìn chung, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan khác đã tạo thành một hệ thống giải pháp đồng bộ, từng bước khắc phục những hạn chế trong tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo còn một số bất cập, không thống nhất trong quy định, điều khoản gây khó khăn cho quá trình thi hành luật, giải quyết các vụ việc. Mặt khác, trình độ, năng lực, ý thức trách nhiệm của một bộ phận làm công tác thanh tra còn hạn chế, chưa thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, thiếu trách nhiệm, công tâm trong thực thi công vụ; một số địa phương, đơn vị chưa làm tốt việc tiếp dân, nhận đơn.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã báo cáo làm rõ thêm tình hình tại địa phương. Hiện nay, đa số là những vụ việc liên quan tới khiếu nại đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng. Vẫn còn tình trạng khiếu kiện vượt cấp, đòi hỏi theo nguyện vọng cá nhân, không theo quy định của pháp luật.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao những kết quả, chuyển biến tích cực qua 4 năm thi hành Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo: Nhiều vụ việc phức tạp, tồn đọng lâu dài đã được giải quyết dứt điểm, công tác phối hợp giữa các ngành hiệu quả hơn; kể từ khi Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo có hiệu lực thi hành, số lượng công dân đến trụ sở tiếp công dân và đơn thư KNTC có xu hướng giảm, không phát sinh "điểm nóng" trên địa bàn. Tuy nhiên, còn nhiều việc chưa làm được, còn chậm trễ và đùn đẩy trách nhiệm.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị thời gian tới Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố phải tăng cường trách nhiệm chỉ đạo giải quyết KNTC; nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác giải quyết KNTC; tập trung giải quyết các vụ việc KNTC liên quan tới đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, khiếu kiện liên quan tới lĩnh vực môi trường, cản trở hoạt động của doanh nghiệp, kiên quyết không để xảy ra "điểm nóng" ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu sau cuộc họp này, Thanh tra tỉnh, Ban tiếp công dân tỉnh nghiên cứu tham mưu tổ chức hội nghị chuyên đề về các vấn đề phức tạp đang diễn ra để bàn cách tháo gỡ, giải quyết hiệu quả hơn./.