DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Toàn tỉnh đã có 38 cơ sở trồng bưởi đã được chứng nhận GAP và tiêu chuẩn hữu cơ

09/08/2023 14:36
Tỉnh Hòa Bình có diện tích sản xuất cây ăn quả có múi khá lớn, chiếm 5% diện tích của cả nước. Theo thống kê, diện tích cây có múi tại Hòa Bình đạt khoảng 10.500 ha; trong đó riêng diện tích cam, bưởi trồng tập trung đạt 9.053 ha với 7.429 ha giai đoạn kinh doanh, sản lượng đạt khoảng 167 nghìn tấn (số liệu thống kê năm 2022).
Nhân viên Công ty CP nông nghiệp FUSA đang bọc bưởi bằng túi lưới và gắn nhãn trước khi đóng thùng chuyển đi xuất khẩu.

Để tập trung sản xuất hàng hóa, tỉnh đã hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung, có điều kiện thâm canh cao, nổi tiếng, như vùng sản xuất cam Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy; vùng sản xuất bưởi đỏ tại Tân Lạc; vùng sản xuất bưởi Diễn tại Yên Thủy, Lương Sơn... Giá trị thu nhập đạt 300 - 450 triệu đồng/ha/năm, thuộc diện cao nhất toàn quốc. Nhiều sản phẩm quả có múi của tỉnh đã được cấp chứng nhận sở hữu trí tuệ, trong đó có chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam của huyện Cao Phong; 6 nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm quả có múi của các địa phương: Tân Lạc, Yên Thủy, Lạc Thủy, Kim Bôi. Đã có 16 sản phẩm quả tươi và sản phẩm chế biến được chứng nhận Sản phẩm OCOP 3, 4 sao.

Đến thời điểm này, tổng diện tích bưởi Diễn của tỉnh Hòa Bình có khoảng 2.300ha, chiếm 45% diện tích bưởi và 22% tổng diện tích cây ăn quả có múi của toàn tỉnh; trong đó, riêng huyện Yên Thủy đạt hơn 800ha bưởi Diễn.

Năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp nhãn hiệu tập thể Bưởi Diễn Yên Thủy. Các xã tại địa phương trồng nhiều bưởi Diễn như Ngọc Lương, Đoàn Kết, thị trấn Hàng Trạm; trong đó, xã Ngọc Lương với diện tích khoảng 300ha, riêng xóm Đại Đồng có 110ha bưởi Diễn.

Tính tới nay, toàn tỉnh có 38 cơ sở trồng bưởi đã được chứng nhận và dự kiến được chứng nhận GAP ( VietGAP, GlobalGAP) và tiêu chuẩn hữu cơ trong năm 2023 với tổng diện tích là 731,14 ha, bao gồm: 30 cơ sở được chứng nhận VietGAP; 7 cơ sở được chứng nhận GlobalGAP; 01 cơ sở được chứng nhận hữu cơ.

Thời gian tới, cùng với việc phát triển, mở rộng diện tích, áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác bưởi đỏ nhằm phát triển theo hướng bền vững, cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng các loại phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học để giảm thiểu sự phụ thuộc vào phân bón hóa học, bảo đảm đúng quy chuẩn quy định về kiểm dịch thực vật, tất cả các yêu cầu kỹ thuật bắt buộc nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu./.