DetailController

Quốc phòng - An ninh

Tổ chức kiểm tra thực hiện pháp luật về phòng, chống mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh

27/03/2024 16:30
Ngày 27/3, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 65/KH-UBND Tổ chức kiểm tra thực hiện pháp luật về phòng, chống mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình năm 2024.

Mục đích nhằm phát huy vai trò quản lý nhà nước của các cơ quan liên quan và hiệu quả công tác kiểm tra liên ngành phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn mại dâm và các tệ nạn xã hội khác tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh; Tăng cường hiệu quả hoạt động của Đội Kiểm tra liên ngành phòng, chống tệ nạn mại dâm (Đội Kiểm tra liên ngành 178) các cấp trong việc phối hợp kiểm tra, giám sát và quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự theo quy định của pháp luật, nhằm kiểm soát tình hình, đảm bảo các cơ sở chấp hành nghiêm và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm, hạn chế phát sinh đối tượng, tụ điểm phức tạp về tệ nạn xã hội, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn; Phổ biến, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ thực hiện đúng các quy định của pháp luật nói chung và quy định về phòng, chống tệ nạn xã hội nói riêng trong hoạt động kinh doanh; Kịp thời phát hiện hành vi vi phạm, lập biên bản vi phạm hành chính và đề nghị người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc chuyn các cơ quan chức năng để điều tra làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật; Kiểm tra nắm bắt, tổng hợp tình hình chấp hành pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm trên địa bàn, kịp thời đề xuất giải pháp phòng, chống mại dâm trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, yêu cầu trong quá trình tổ chức kiểm tra cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Quá trình kiểm tra đảm bảo công khai, khách quan; hình thức kiểm tra linh hoạt, nội dung kiểm tra bám sát các quy định của pháp luật và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh. Hoạt động kiểm tra phải đảm bảo đồng bộ, tăng cường công tác phối hợp giữa các Sở, ngành và các địa phương; đồng thời hạn chế tối đa việc kiểm tra chồng chéo ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ là đối tượng được kiểm tra.

Đối tượng kiểm tra là: Các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 178/2004/NĐ-CP, gồm: khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ, nhà hàng, nhà trọ, biệt thự kinh doanh du lịch, căn hộ kinh doanh du lịch, căn hộ cho thuê, homestay, vũ trường, quán bar, karaoke, massage, xoa bóp, cà phê đèn mờ... trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Nội dung kiểm tra theo quy định tại Điều 11, Nghị định số 178/2004/NĐ-CP, bao gồm:  Việc chấp hành các tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh, điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm. Đăng ký kinh doanh; Giấy phép kinh doanh; Giấy phép hoạt động theo quy định của pháp luật, các điều kiện đảm bảo về an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy. Việc đăng ký sử dụng lao động; ký kết Hợp đồng lao động và khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động, việc thực hiện chế độ tiền lương và đảm bảo điều kiện về an toàn vệ sinh lao động, các bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn của người lao động theo quy định của pháp luật. Việc cam kết bằng văn bản về phòng, chống tệ nạn mại dâm của chủ cơ sở với chính quyền sở tại; cam kết của người lao động với chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ không tham gia tệ nạn mại dâm. Đăng ký tạm trú; Giấy đăng ký thực hiện an ninh trật tự với cơ quan chức năng. Kiểm tra cơ sở vật chất phục vụ hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Chỉ tiêu thực hiện: Phấn đấu kiểm tra đạt từ 70% tổng số cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn toàn tỉnh phải kiểm tra ít nhất một lần/năm. Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ có vi phạm về tệ nạn xã hội hoặc phản ánh của người dân thì tổ chức tái kiểm tra để phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm về phòng, chống tệ nạn xã hội.

Nguyên tắc: Đội Kiểm tra liên ngành 178 hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Quy chế hoạt động đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình phê duyệt và các văn bản pháp luật hiện hành.

Phương pháp kiểm tra và thời gian kiểm tra: Đội Kiểm tra liên ngành 178 tỉnh tổ chức kiểm tra độc lập hoặc thông báo phối hợp với chính quyền và các lực lượng chức năng trên địa bàn để kiểm tra.

Căn cứ kết quả nắm thông tin, khảo sát tại địa bàn và đề nghị của các ban, ngành, địa phương hoặc đơn, thư, tin tức phản ánh của công dân, báo, đài,.. về tình hình nghi hoạt động mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, Đội Kiểm tra liên ngành 178 tỉnh lập danh sách các cơ sở kinh doanh dịch vụ và xây dựng lịch kiểm tra cụ thể để tiến hành kiểm tra định kỳ hoặc kiểm tra đột xuất phù hợp với tình hình thực tế;

 Thành viên Đội Kiểm tra liên ngành 178 thực hiện kiểm tra các nội dung thuộc lĩnh vực chuyên ngành và theo sự phân công của Đội trưởng Đội Kiểm tra liên ngành 178, đồng thời tăng cường phối hợp, hỗ trợ các thành viên trong Đội để công tác kiểm tra đạt hiệu quả. Đội Kiểm tra liên ngành 178 tiến hành lập biên bản kiểm tra tại Cơ sở được kiểm tra. Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính, Đội Kiểm tra liên ngành 178 tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với các cơ sở có hành vi vi phạm theo quy định tại nơi xảy ra hành vi vi phạm hành chính. Trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập tại trụ sở cơ quan thường trực Đội Kiểm tra liên ngành 178 tỉnh hoặc địa điểm khác thì phải ghi rõ lý do vào biên bản. Việc ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020.

Thời gian kiểm tra: Thực hiện trong giờ hành chính hoặc ngoài giờ hành chính. Tiến hành kiểm tra theo kế hoạch báo trước hoặc đột xuất./.