Căn cứ Quyết định số 232-QĐ/TU, ngày 09/6/2016 của Tỉnh ủy Hòa Bình ban hành “Quy định về việc tiếp xúc, đối thoại với nhân dân”; Quy chế số 07-QC/TU, ngày 27/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh với phụ nữ tỉnh Hòa Bình, năm 2023 với chủ đề: “Đồng hành cùng tổ chức Hội trong thúc đẩy bình đẳng giới và hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế”, như sau:
Mục đích: Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới, qua đó thúc đẩy tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ trong các lĩnh vực. Tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của phụ nữ về cơ chế chính sách và các quy định của pháp luật đối với phụ nữ và bình đẳng giới; tạo điều kiện để phụ nữ bày tỏ những nguyện vọng, sáng kiến, kinh nghiệm, đề xuất liên quan đến việc triển khai thực hiện công tác bình đẳng giới trên các lĩnh vực an ninh xã hội, phát triển kinh tế. Phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; giải đáp các vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật của nhà nước với phụ nữ trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh yêu cầu việc tổ chức đối thoại phải đảm bảo thiết thực, hiệu quả; nội dung đối thoại phải sát với thực tế, có trọng tâm, trọng điểm vào những vấn đề liên quan trực tiếp đến nhu cầu chính đáng, quyền và lợi ích hợp pháp của cán bộ, hội viên phụ nữ; đảm bảo thời gian, nội dung chương trình Hội nghị.
Nội dung đối thoại: Đánh giá sự tham gia thúc đẩy bình đẳng giới và hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế của các cấp Hội; những khó khăn, vướng mắc và những kiến nghị, đề xuất của cán bộ, hội viên phụ nữ về thực hiện chính sách, chương trình liên quan đến an sinh xã hội, phát triển kinh tế, bình đẳng giới; hỗ trợ phụ nữ tham gia sản xuất, kinh doanh, đào tạo nghề cho lao động là phụ nữ nông thôn; giải pháp thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ.
Các vấn đề chính đặt ra trong hội nghị đối thoại:
(1) Công tác chỉ đạo bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh và giải pháp phòng ngừa bạo lực gia đình và xâm hại tình dục trẻ em.
(2) Các chính sách giải quyết việc làm cho lao động nữ, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển toàn diện; hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ; hỗ trợ sinh kế và các lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật.
(3) Kiến nghị, đề xuất với lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh về các giải pháp hỗ trợ phụ nữ tham gia sản xuất, kinh doanh, đào tạo nghề cho lao động là phụ nữ nông thôn thúc đẩy mạng lưới doanh nghiệp, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, phát triển kinh tế - xã hội,…
(4) Tạo điều kiện để các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ thực hiện nhiệm vụ trong hội nhập công nghệ 4.0 góp phần thực hiện khâu đột phá “Đổi mới phương thức hoạt động Hội, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin” do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam chỉ đạo triển khai.
(5) Giải pháp hỗ trợ tạo điều kiện nhằm hỗ trợ, khuyến khích cán bộ Hội là chi hội trưởng phụ nữ tham gia tích cực vào hoạt động Hội.
Hình thức đối thoại: Tổ chức đối thoại trực tiếp tại điểm cầu tỉnh, kết hợp trực tuyến tại điểm cầu của các huyện, thành phố.
Thời gian: 01 buổi, dự kiến tổ chức trong tháng 11/2023.
Địa điểm: Điểm cầu tỉnh: Tại phòng họp trực tuyến Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điểm cầu các huyện, thành phố: Tại phòng họp trực tuyến của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.