Ngay sau khi Nghị quyết số 23-NQ/TW được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 23-CTr/TU, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh tổ chức quán triệt, nghiên cứu, học tâp và tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, đoàn viên, hội viên, doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các vấn đề về tầm quan trọng, lợi ích lâu dài của việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp, góp phần đẩy nhanh phát triển công nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại gắn với nền kinh tế tri thức, bảo vệ môi trường; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Tỉnh đã tập trung làm tốt công tác quy hoạch; nghiên cứu rà soát, xây dựng chính sách phân bổ không gian bảo đảm tập trung, trọng tâm, trọng điểm. Trước hết ưu tiên lựa chọn phát triển tại các vùng, địa phương đã bước đầu hình thành các khu - cụm công nghiệp hoặc có lợi thế về giao thông, địa kinh tế, tài nguyên, lao động, logistic, có khả năng trở thành động lực tăng trưởng như: Lương Sơn; Thành phố Hòa Bình; Lạc Thủy; Tân Lạc; Cao Phong,… Chỉ đạo các địa phương bảo đảm phân bổ các cơ sở chế biến nông, lâm sản hợp lý theo hướng gắn với việc phát triển vùng nguyên liệu tập trung và tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở cơ cấu lại vật nuôi, cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội của từng địa phương trên phạm vi toàn tỉnh.
Công tác tái cơ cấu ngành công nghiệp được đẩy mạnh, tập trung theo hướng phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, có lợi thế về tài nguyên như: Sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông, lâm sản,... và các ngành công nghiệp có lợi thế về thị trường và lao động như: Điện tử, may mặc, lắp ráp cơ khí; sản phẩm bia, rượu, nước giải khát, dược phẩm,... Khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp từ hình thức gia công, từng bước chuyên sản xuất thành phẩm xuất khẩu trực tiếp, nhằm nâng cao giá trị gia tăng của ngành và sản phẩm; phát triển các ngành tiểu thủ công nghiệp, các ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp nông thôn, tập trung hỗ trợ các lĩnh vực có thế mạnh gắn với công nghiệp chế biến, sản xuất các sản phẩm có khả năng cạnh tranh.
Công tác cải cách hành chính được xác định là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt, khâu đột phá trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cáccấp, các ngành nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Đến nay, chính quyền các cấp đã thực hiện cắt giảm 30% thời gian giải quyết các thủ tục hành chính. Đồng thời, triển khai thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương về công tác cải cách hành chính; đáp ứng yêu cầu phục vụ, nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp.
Trong thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, triển khai thực hiện nhiều giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, có tác động tích cực đến kết quả hoạt động thu hút đầu tư của tỉnh. Tính đến hết tháng 6/2023, trên địa bàn toàn tỉnh có 734 dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách. Trong đó, có 495 dự án nằm ngoài khu -cụm công nghiệp với tổng vốn khoảng 139.970 tỷ đồng; 150 dự án trong khu -cụm công nghiệp với tổng vốn khoảng 37.768 tỷ đồng và 89 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại với tổng vốn khoảng 60.000 tỷ đồng. Một số sản phẩm công nghiệp của tỉnh đạt sản lượng khá cao, có vị trí trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Qua đó đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, công nghiệp, giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản. Cơ cấu nội ngành có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm ngành công nghiệp khai khoáng. Hình thành một số lĩnh vực công nghiệp chủ lực, tạo động lực và sức lan tỏa phát triển như: Sản xuất linh kiện điện tử, chế biến nông - lâm sản, thực phẩm, đồ uống, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, công nghiệp điện.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ngành công nghiệp tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tỷ trọng công nghiệp trong GRDP năm 2022 đạt 30,72%, thực hiện 48,76/63% mục tiêu đề ra. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP năm 2022 đạt 13,12%, thực hiện 32,8/40% mục tiêu đề ra. Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo năm 2022 đạt 32,61%, thực hiện 67,94/48%, vượt mục tiêu đề ra. Trong giai đoạn 2018-2022, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp giai đoạn 2018 - 2022 đạt 2,81%/năm, thực hiện 26,76% mục tiêu đề ra; tỷ lệ lao động lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ trong tổng lao động tăng 5,68%; tỷ lệ lao động lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ trong các thành phần kinh tế tăng 5,84%./.