DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Tỉnh Hòa Bình: Hướng đến trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao

24/10/2023 16:30
Là tỉnh có diện tích sản xuất cây ăn quả có múi khá lớn, chiếm 5% diện tích cả nước, giá trị thu nhập đạt 300 - 450 triệu đồng/ha/năm, thuộc diện cao nhất toàn quốc. Những năm qua, nhờ chủ trương đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp và sự chủ động của các hộ sản xuất, Hòa Bình đã hình thành những vùng hàng hóa lớn, tập trung, có điều kiện thâm canh cao. Đơn cử, như: Vùng sản xuất cam Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy; vùng sản xuất bưởi đỏ tại Tân Lạc; vùng sản xuất bưởi Diễn tại Yên Thủy, Lương Sơn...
Sản phẩm Mía tím của tỉnh Hòa Bình là một trong những sản phẩm được tiêu thụ ở nhiều địa phương trong cả nước.

Nhiều sản phẩm quả có múi của tỉnh đã được cấp Chứng nhận sở hữu trí tuệ; trong đó, có Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam của huyện Cao Phong; 6 nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm quả có múi của các huyện: Tân Lạc, Yên Thủy, Lạc Thủy, Kim Bôi. Toàn tỉnh đã có 16 sản phẩm quả tươi và sản phẩm chế biến được chứng nhận Sản phẩm OCOP 3, 4 sao; 38 cơ sở trồng bưởi đã được chứng nhận và dự kiến được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, tiêu chuẩn hữu cơ trên tổng diện tích 731,14ha.

Đồng chí Nguyễn Huy Nhuận - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy sản xuất nông nghiệp nói chung, phát triển bền vững cây ăn quả có múi nói riêng, như: Khuyến khích phát triển một số sản phẩm trồng trọt chủ lực (hỗ trợ 20 triệu đồng/ha diện tích cây ăn quả có múi trồng mới); hỗ trợ cước vận chuyển nông sản; hỗ trợ Chứng nhận an toàn thực phẩm, VietGAP, Tem truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ thành lập các hợp tác xã… Đặc biệt, để đưa cây có múi thành mặt hàng mũi nhọn, chủ lực, tỉnh đã tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thâm canh; mở rộng diện tích áp dụng các chương trình quản lý dịch hại tổng hợp và vùng sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Đồng thời, xây dựng nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm; ưu tiên hình thành các vùng sản xuất tập trung theo chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng.

Hiện nay, tỉnh Hòa Bình đã định vị lợi thế cạnh tranh, tái cơ cấu, hướng tới nền nông nghiệp sạch chất lượng cao, nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng lớn và bền vững. Đồng thời, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu trở thành trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao của cả nước. Sau khi Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tỉnh đã sớm ban hành Quy hoạch tổng thể vùng và khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các vùng, khu trồng trọt tập trung được các địa phương rà soát, điều tra, đánh giá cụ thể và thống nhất về phương án tổ chức thực hiện. Đến nay, các vùng sản xuất, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao ngày càng tăng cả số lượng lẫn quy mô. Tỉnh đã xuất khẩu chính ngạch hơn 1.300 tấn sản phẩm sang các thị trường như: Trung Quốc, Nhật Bản và Châu Âu (Hà Lan, Séc, Đức...). Các sản phẩm như: Chuối, chè, măng, mía... được tiêu thụ ở nhiều địa phương trong cả nước.

Tuy nhiên, khó khăn của địa phương hiện nay là hình thức tổ chức sản xuất chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào sản xuất còn ít, quy mô nhỏ. Cơ sở hạ tầng tại các khu sản xuất còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng với yêu cầu. Ngoài ra, cơ chế chính sách khuyến khích phát triển khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp còn thiếu đồng bộ, chưa trọng tâm, trọng điểm, khó vận dụng. Đội ngũ kỹ thuật chuyên ngành nông nghiệp tại cơ sở còn thiếu, nhất là nhân lực công nghệ cao… Trước những khó khăn, vướng mắc trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh có chủ trương, giải pháp phù hợp. Trong đó, thành lập và nâng cao năng lực tổ chức sản xuất của các hợp tác xã nông nghiệp; tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là khâu bảo quản, chế biến; lấy doanh nghiệp, hợp tác xã là chủ thể, nòng cốt để phát triển các chuỗi giá trị.

Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt góp phần tự động hóa quá trình sản xuất; phát triển nguồn nhân lực thích ứng với yêu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao; tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế về ứng dụng, tiếp nhận, làm chủ một số ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả vào sản xuất và kết hợp phát triển du lịch sinh thái./.