DetailController

Tin từ các đơn vị

Tình hình thực hiện công tác phòng, chống thiên tai 4 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh

11/05/2022 00:00
Thời gian qua, thiên tai diễn biến nguy hiểm, phức tạp, khó lường, gây nhiều thiệt hại cho tỉnh. Từ tháng 1 năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 06 đợt không khí lạnh, 02 đợt rét đậm, rét hại kèm mưa giông, nhiệt độ dao động từ 7,9 - 37,5 độ C. Các đợt không khí lạnh xảy ra kèm theo mưa, tổng lượng mưa 75 - 295 mm; đặc biệt trong cuối tháng 2 xảy ra đợt mưa lớn cục bộ, giống lốc đầu mùa đã xảy ra trên địa bàn tỉnh gây mưa lớn cục bộ có nơi lên đến 81,4 mm. Xảy ra 01 đợt nắng nóng cục bộ trong tháng 3, nhiệt độ cao nhất tại Mai Châu 37,5 độ C. Theo đánh giá so với năm 2021, giông lốc, mưa đá, sét năm 2022 đến thời điểm cuối tháng 4 xảy ra nhiều hơn năm ngoái.
Các địa phương cắm biển cảnh báo, chăng dây khu vực nguy hiểm, các điểm sạt lở

Về thiệt hại do thiên tai, không có thiệt hại về người, tổng số hộ dân bị ảnh hưởng là 206 hộ bao gồm 784 người. Tổng số nhà bị thiệt hại, di dời là 211 nhà, trong đó thiệt hại hoàn toàn trên 70% là 04 nhà. Tổng diện tích bị thiệt hại khoảng 166,224 ha, trong đó 42,074 ha diện tích gieo cấy lúa thuần (32,274 ha thiệt hại trên 70%); 40,65 ha gieo mạ (25,15 ha thiệt hại trên 70%); 64 ha hoa màu (43 ha bị thiệt hại trên 70%); 17,1 ha diện tích cây trồng hàng năm; 2,4 ha diện tích cây ăn quả tập trung; nhiều cây trồng, cây sản xuất bị đổ. 620 con gia súc bị chết. Một số công trình công cộng, giao thông, thuỷ lợi bị hư hỏng; đổ gẫy 16 cột điện hạ thế. Ước giá trị thiệt hại khoảng trên 13,9 tỷ đồng.

Để chủ động phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệpvà Phát triển nông thôn ban hành văn bản gửi các Sở, ngành trong tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố yêu cầu kiện toàn, cung cấp thông tin thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã ban hành văn bản gửi các Sở, ngành trong tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố về việc quản lý, phát hành biển “XE HỘ ĐÊ” trên địa bàn tỉnh năm 2022. Đến thời điểm hiện tại, các địa phương trong tỉnh và các Sở, ngành có liên quan đã hoàn thành công tác kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của đơn vị, địa phương mình.

Khi có thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã yêu cầu chính quyền địa phương chủ động huy động lực lượng và phương tiện để khắc phục hậu quả giông lốc, mưa lũ, sạt lở đất thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”; cắm biển cảnh báo, chăng dây khu vực nguy hiểm, các điểm sạt lở, khu vực ngầm bị ngập nước cấm các phương tiện giao thông và người di chuyển qua lại; thường xuyên cử người xuống các xã để hướng dẫn, chỉ đạo sơ tán, di chuyển dân ra khỏi khu vực có nguy cơ bị sạt lở đảm bảo an toàn cho người dân; huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ công tác khắc phục. Lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh bám sát địa bàn, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo toàn bộ hệ thống chính trị trong toàn tỉnh trong công tác ứng phó, phòng chống với thiên tai; qua đó đã giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh theo địa bàn được phân công đã tổ chức các đoàn công tác xuống các địa phương kiểm tra, đôn đốc trong công tác phòng, chống thiên tai. Các nhà thầu, đơn vị quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ huy động máy móc, thiết bị, nhân lực đảm bảo giao thông trên tuyến. Sở Giao thông vận tải đã đề xuất và được Tổng cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận hỗ trợ kinh phí 2,5 tỷ đồng để xúc dọn sạt lở đất, đá trên các tuyến đường Quốc lộ thuộc địa phận tỉnh đảm bảo lưu thông giao thông. Một số địa phương cân đối ngân sách hỗ trợ các đoạn quản lý đường bộ, doanh nghiệp tại địa phương tiền xăng, dầu đổ máy xúc dọn sạt lở đất đá trên các tuyến đường giao thông địa phương./.