Ngay sau khi có thông tin về bão số 3 xuất hiện trên biển, các cơ quan thường trực về công tác phòng chống thiên tai tổ chức trực ban nghiêm túc, đồng thời thường xuyên đôn đốc các địa phương sẵn sàng ứng phó với mưa lớn và bão số 3 có thể ảnh hưởng đến tỉnh Hòa Bình. Thực hiện các Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung triển khai ứng phó, khắc phục bão số 3/2024 và nội dung cuộc họp trực tuyến do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì ngày 05/9/2024, Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các văn bản, Công điện để chỉ đạo các Sở, ban ngành và địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3, đảm bảo an toàn hạ du khi mở 02 cửa xả đáy hồ thủy điện Hòa Bình, đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, địa phương có liên quan để sẵn sàng triển khai ứng phó khi bão đổ bộ.
Ngay sau cuộc họp triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 3 ngày 06/9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập 06 đoàn công tác do các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy làm trưởng đoàn, tham gia có các lãnh đạo Sở, ban, ngành, trực tiếp kiểm tra, đôn đốc việc triển khai ứng phó với cơn bão số 3 tại các địa phương và trọng điểm phòng, chống thiên tai; qua kiểm tra, đôn đốc của các đoàn kiểm tra về cơ bản các đơn vị, địa phương đã triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 3, sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản trên địa bàn; các địa phương đã chủ động di chuyển người dân tại các khu vực có nguy cơ cao về thiên tai khi có mưa lũ xảy ra đến nơi an toàn.
Các Sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ đã triển khai các biện pháp chủ động phòng chống, giảm thiểu thiệt hại với các nội dung cụ thể: Lập phương án phối hợp, hiệp đồng huy động lực lượng quân đội đóng chân trên địa bàn, dân quân tự vệ tổ xung kích sẵn sàng lực lượng khi có sự cố xảy ra; lập phương án bảo đảm an ninh trật tự đến tận xóm, thôn khi có tình huống xảy ra; chuẩn bị sẵn phương tiện, vật tư để sẵn sàng thông tuyến giao thông, đảm bảo an toàn thông suốt; thông báo cho các chủ phương tiện thủy tìm chỗ neo đậu an toàn trong mưa bão; sơ tán các hộ dân ra khỏi các khu chung cư cũ không đảm bảo an toàn; có phương án đảm bảo lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm trước, trong và sau thiên tai; chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc và lực lượng y, bác sỹ trực để xử lý tình huống khi cần thiết; kiểm tra an toàn hồ đập, thông báo các chủ lồng bè biết để phòng tránh các tình huống bất lợi. Sở Giáo dục và Đào tạo đã thông báo cho các cơ sở giáo dục, trường học cho học sinh nghỉ học từ ngày 07/9 đến hết ngày 09/9. Các Sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ của mình đã triển khai trực ứng phó và chỉ đạo điều hành giảm thiểu thiệt hại của thiên tai.
Do ảnh hưởng của mưa lớn, dông lốc, sét gây thiệt hại tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, đã có 05 người chết và 01 người bị thương trong một hộ gia đình do bị sạt lở, vùi lấp đất tại xóm Chầm, xã Tân Minh, huyện Đà Bắc và 1 người tại xã Cao Dương, huyện Lương Sơn.
Hiện tại có 1.721 hộ đã sơ tán gồm: Thành phố Hòa Bình 242 hộ; Lương Sơn 60 hộ; Cao Phong 84 hộ; Tân Lạc 286 hộ; Mai Châu 58 hộ; Kim Bôi 121 hộ; Lạc Thủy 168 hộ; Yên Thủy 88 hộ; Lạc Sơn 132 hộ; Đà Bắc 482 hộ.
Thiệt hại về nhà ở: 763 hộ/nhà bị ảnh hưởng (tốc mái, cây đổ vào nhà, vỡ tấm lợp proximang, hư hỏng nhà, nứt tường nhà, sụt lún), cụ thể: Thành phố Hòa Bình 48 hộ; Lương Sơn 173 hộ; Cao Phong 38 hộ; Tân Lạc 110 hộ; Mai Châu 17 hộ; Kim Bôi 142 hộ; Lạc Thủy 50 hộ; Yên Thủy 04 hộ; Lạc Sơn 69 hộ; Đà Bắc 112 hộ.
Tổng diện tích nông, lầm nghiệp bị thiệt hại là 5.683,9ha (lúa, hoa màu, cây ăn quả, cây hàng năm và lâu năm). Trong đó: Thành phố Hòa Bình 328 ha; Lương Sơn 1.131,3 ha; Cao Phong 226 ha; Tân Lạc 301,6 ha; Mai Châu 93,7 ha; Kim Bôi 1.431,1 ha; Lạc Thủy 615 ha; Yên Thủy 945,5 ha; Lạc Sơn 468,15 ha; Đà Bắc 373,5ha.
Đã có 16 điểm trường bị ảnh hưởng (huyện Lương Sơn 06 điểm; Tân Lạc 04 điểm; Kim Bôi 02; Yên Thủy 02 Lạc Sơn 02 điểm).
Thiệt hại về đường giao thông tại nhiều điểm trên tỉnh. Đối với tuyến đường địa phương quản lý có 220 điểm bị sạt lở, sụt lún, trong đó: Thành phố Hòa Bình 11 điểm; Lương Sơn 13 điểm; Cao Phong 38 điểm; Tân Lạc 2 điểm; Mai Châu 93 điểm; Kim Bôi 3 điểm; Lạc Thủy 8 điểm; Yên Thủy 5 điểm; Lạc Sơn 45 hộ điểm; Đà Bắc 2 điểm.
Đối với các tuyến đường Trung ương và tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh: Cơn bão số 3 gây mưa lớn, một số vị trí ngầm ngập sâu từ 0,3m-1m, gây tắc đường, tuy nhiên khi mưa tạnh, nước rút đã lưu thông được qua ngầm. Đêm ngày 09/9 đến sáng ngày 10/9/2024, mưa tiếp tục xảy ra trên diện rộng, một số vị trí ngầm bị ngập từ 0,3 - 0,5m trên địa bàn các huyện Kim Bôi, Yên Thủy và thành phố Hòa Bình; đã thực hiện cấm người và các phương tiện qua lại, cử người canh gác tại khu vực ngầm bị ngập để đảm bảo an toàn.
Đối với các tuyến đường Trung ương ủy thác quản lý: Người và phương tiện tham gia giao thông lưu thông bình thường qua tuyến, không còn điểm sạt lở, úng ngập gây tắc đường, không phát sinh hư hỏng mới.
Đối với các tuyến đường tỉnh: Đã xảy ra sạt lở taluy dương, taluy âm Nước ngập sâu, sạt lở đất, cây đổ ngang đường:
Sạt lở taluy dương tại 75 vị trí với tổng khối lượng ước tính khoảng 9.150m3 đất đá có 11 điểm tắc đường, đơn vị bảo dưỡng thường xuyên đã tổ chức hót dọn, đảm bảo giao thông được 9/11 điểm; tại thời điểm báo cáo còn 03vị trí tắc đường do sạt lở trên đường tỉnh 433 tại Km1+00 (điểm cũ), Km75+700, Km80+600; sạt lở taluy âm tại 11 vị trí với chiều dài khoảng 190m; không còn điểm ngập úng ách tắc giao thông.
Sạt lở taluy âm 11 vị trí tại 2 tuyến đường là: Đường tỉnh 433 đoạn qua xã Tân Minh, huyện Đà Bắc (05 điểm) và Đường tỉnh 448 đoạn qua Kỳ Sơn, Trung Minh và Đồng Tiến, thành phố Hòa Bình (06 điểm).
Trên một số tuyến đường xảy ra tình trạng nhiều vị trí cây bị gãy đổ đã được đơn vị bảo dưỡng thường xuyên phát dọn chặt hạ đảm bảo giao thông ngay khi phát hiện . Hiện tại đang tiếp tục thu gọn đảm bảo an toàn giao thông.
Có 03 điểm y tế bị hư hỏng; 08 điểm văn hóa bị hư hỏng, thiệt hại.
Thiệt hại gần 5.000 con gia súc, gia cầm; 43 công trình thủy lợi; ngoài ra thiệt hại về thủy sản, đường điện, viễn thông….Hiện các đơn vị, địa phương tổng hợp báo cáo cả đợt thiên tai để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT theo quy định.
Để khắc phục hậu quả thiên tai, tỉnh đã huy động các lực lượng tham gia hỗ trợ, ứng phó thiên tai, giúp người dân sơ tán, khôi phục nhà cửa…, đồng thời trực 24/24h tại 151/151 xã, phường, thị trấn và 8.899 thành viên tham gia; các lực lượng Công an, Quân đội từ tỉnh đến xã trực, ứng phó thiên tai và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả với 100% quân số.
Các địa phương hiện tại đang tập trung khắc phục các thiệt hại, tiếp tục ở tại nơi sơ tán đối với khu vực vẫn có nguy cơ sạt lở, hỗ trợ tu sửa nhà cửa, dọn dẹp cây gãy đổ, thống kê thiệt hại đợt thiên tai theo quy định. Đến thời điểm hiện tại còn mưa nhỏ tại một số nơi, các địa phương đã chuyển một số hộ dân có nguy cơ thấp về sạt lở, ngập lụt trở lại nhà để ở. Sửa chữa các nhà cửa hư hỏng, tốc mái; rà soát đánh giá mức độ an toàn của các khu vực sinh sống để đưa người dân đang đi sơ tán về để ổn định cuộc sống và sinh hoạt. Dọn dẹp các trường học, cơ sở giáo dục, chuẩn bị điều kiện an toàn để học sinh tiếp tục đến trường. Về cơ bản cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là các tuyến đường giao thông, các tuyến đường điện… đã được khôi phục bước đầu để đảm bảo không có khu vực nào bị cô lập hoặc mất liên lạc.
Theo dự báo vẫn còn mưa lớn tiếp diễn, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị các địa phương tiếp tục tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất; sửa chữa, khắc phục nhanh công trình hạ tầng thiết yếu, nhất là trường học, trạm y tế, hệ thống điện, nước sinh hoạt, công trình giao thông, thủy lợi, đê điều, hồ đập bị hư hại để chủ động ứng phó với những đợt thiên tai mới, nhanh chóng khôi phục sản xuất ngay sau lũ, góp phần ổn định đời sống cho người dân và các nội dung đã được Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị tại Công văn số 113/SNN-TL ngày 09/9/2024. Rà soát kỹ, chủ động sơ tán, di dời dân cư khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập sâu nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Chỉ đạo rà soát, kịp thời phát hiện, tránh xảy ra các sự cố bất ngờ đối với các công trình cơ sở hạ tầng, nhất là các cầu, ngầm, giao thông, hồ đập, đê điều trên địa bàn. Ủy ban nhân dân thành phố Hòa Bình tập trung rà soát các khu vực cầu, ngầm, kè, ngòi khu vực hạ lưu đập thủy điện Hòa Bình; bố trí lực lượng cảnh báo, cấm người dân không tắm sông trong thời gian đập thủy điện Hòa Bình xả lũ. Các Sở, Ban ngành theo chức năng chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương thực hiện phương án ứng phó và khắc phục thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân và Nhà nước./.