DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Tình hình sản xuất nông nghiệp tháng 5

15/05/2023 17:00
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, đến nay, toàn tỉnh đã gieo trồng cây hằng năm được 64.566 ha, tăng 3,2 % so với kế hoạch. Hiện nay các địa phương tích cực làm cỏ, bón phân, chăm sóc cho diện tích lúa và cây màu đã gieo trồng, tập trung gieo trồng những diện tích cây màu như: mía, sắn, rau các loại ...Các loại cây trồng khác tiếp tục sinh trưởng, phát triển khá. Đối với cây ăn quả có múi đang giai phát triển quả, tiếp tục bón phân, chăm sóc phòng trừ sâu bệnh, các địa phương chủ động tập trung chăm sóc, bón phân; các loại cây nhãn, vải giai đoạn nở hoa-đậu quả; chè phát triển búp-thu hái.

Hiện ngành đang hướng dẫn địa phương thực hiện tốt các giải pháp phòng, trừ sâu bệnh, tập trung ở mốt số loại cây trồng. Hướng dẫn, hỗ trợ hoàn thiện và cấp 09 mã số vùng trồng nội địa trên địa bàn. Kiểm tra khu vực thực hiện cánh đồng mẫu tái canh cây cam tại huyện Cao Phong, thống nhất các giải pháp tổ chức thực hiện. Chú trọng phát triển vùng nguyên liệu suất khẩu, vùng nguyên liệu mía. Tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính theo quy định.

Về chăn nuôi, hiện tổng đàn trâu toàn tỉnh là trên 113 nghìn con, đàn bò 89 nghìn con, tổng đàn lợn 451 nghìn con; tổng đàn gia cầm 7,4 triệu con. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 4 tháng đầu năm 2023 uớc đạt 23 nghìn tấn, so với cùng kỳ tăng 4,55% (tăng 1.008 tấn), thịt trâu hơi xuất chuồng ước đạt 1.377 tấn, tăng 2,44% (tăng 30,2 tấn), thịt bò hơi xuất chuồng ước đạt 1.120 tấn, tăng 2,61% (tăng 28,5 tấn), sản lượng sữa đạt 161,3 tấn, tăng 0,19% (tăng 0,3 tấn), thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 9.759 tấn, tăng 5,71% (tăng 526,7 tấn), trong đó, thịt gà hơi xuất chuồng ước đạt 8.440 tấn, tăng 5,5% (tăng 440 tấn). Nhìn chung trong tháng các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi của tỉnh ổn định. Từ đầu năm đến nay không ghi nhận ổ dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi phát sinh mới, ngày 08/5/2023 UBND huyện Cao Phong đã công bố hết bệnh Dịch tả lợn châu Phi  đối với các xã có dịch từ năm 2022. Từ ngày 04/02/2023 đến ngày 28/4/2023 trên địa bàn tỉnh xảy ra dịch bệnh Lở mồm long móng  tại 8 xã của 03 huyện (Đà Bắc, Lạc Sơn, Mai Châu), hiện tại các xã trên đều đã qua 21 ngày không phát hiện hiện trâu, bò chết ốm nghi mắc bệnh Lở mồm long móng; hướng dẫn các huyện; thành phố, cơ sở chăn nuôi tập trung lấy mẫu huyết thanh gửi xét nghiệm phát hiện bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Hướng dẫn cá nhân, tổ chức thực hiện thẩm định đánh giá điều kiện cơ sở để cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y, cơ sở đủ điều kiện chăn nuôi, cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định.

Trong tháng tình hình nuôi cá lồng bè trên thủy điện sông Đà diễn ra thuận lợi, cá phát triển tốt, các chỉ số môi trường tương đối ổn định. Tình hình sản xuất thủy sản ổn định, không có ổ dịch lớn xảy ra. Người dân tập trung chăm sóc, thu hoạch cá thịt. Tổng diện tích nuôi cá ao hồ là 2.698 ha và 4.900 lồng nuôi cá, so với cùng kỳ số lồng nuôi cá tăng 200 lồng; sản lượng cá thu hoạch ước đạt 1.025 tấn, trong đó sản lượng cá khai thác 164 tấn, sản lượng cá nuôi 861 tấn, so với cùng kỳ tăng 10 tấn tấn đạt 109%. 

Trong tháng, trên địa bàn tỉnh xảy ra 03 vụ cháy rừng tại các huyện: Cao Phong, Mai Châu, Tân Lạc, tổng diện tích rừng bị cháy khoảng 0,508 ha, các đám cháy đã được phát hiện sớm, lực lượng kiểm lâm đã tham mưu cho chính quyền địa phương huy động lực lượng tại chỗ chữa cháy kịp thời do vậy đã hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra. Tiếp tục cập nhật thay đổi về diễn biến rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn vào phần mềm FRMS. Thường xuyên kiểm tra động vật hoang dã gây nuôi trên địa bàn tỉnh theo quy định. Phối hợp với các ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể tổ chức tuyên truyền Luật Lâm nghiệp và các văn bản liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, quản lý lâm sản đến 32.204 lượt người, lũy kế từ đầu năm 145.707 lượt người.

Lũy kế đến nay đã sản xuất được 14,1/16 triệu cây giống phục vụ kế hoạch trồng rừng năm 2023 (đạt 88,16%). Đôn đốc các địa phương tổ chức thực hiện chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng; kế hoạch trồng cây phân tán năm 2023, kế hoạch thực hiện Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025. Trong tháng, toàn tỉnh đã trồng được 935,29 ha rừng trồng tập trung và 54.378 cây phân tán. Trong tháng 5/2023 trên địa bàn toàn tỉnh đã khai thác 992,45 ha rừng trồng tập trung, với khối lượng 81.518,55 m3 gỗ; khai thác cây phân tán được 1.863,8 m3 gỗ; 36.008,38 ste củi; 252.600 cây Tre, Luồng, Giang, Nứa; 387,4 tấn Măng tươi; 93,3 tấn dược liệu; 490 kg Mật ong rừng... Tổng thu nhập từ rừng của các tổ chức, hộ gia đình trên địa bàn toàn tỉnh ước đạt là 94.906,53 triệu đồng. Tiếp tục kiểm tra, giám sát các cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản, hướng dẫn các chủ xưởng cập nhập thông tin về nguồn gốc lâm sản vào sổ theo dõi nhập, xuất lâm sản theo quy định.

Trọng tâm tháng 6, ngành Nông nghiệp tiếp tục đôn đốc các địa phương tập trung gieo trồng các loại cây trồng, đảm bảo về cơ cấu giống, hướng dẫn canh tác, gieo trồng đúng quy trình kỹ thuật. Đối với cây ăn quả có múi giai đậu quả, chú ý một số đối tượng sâu, bệnh: rệp muội; bệnh thán thư...Chủ động công tác điều tra phát hiện sinh vật hại cây trồng để dự báo sớm, hướng dẫn cơ sở và người nông dân áp dụng biện pháp quản lý phù hợp với từng đối tượng gây hại chính. Duy trì hệ thống bẫy đèn để hỗ trợ cho công tác dự tính dự báo dịch hại cây trồng. Tăng cường công tác điều tra phát hiện, dự báo tình hình sâu bệnh hại trên cây trồng (kể cả cây trồng nhập nội). Tiếp tục hỗ trợ cấp mới mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Tiếp tục hỗ trợ liên kết vùng sản xuất hướng tới xuất khẩu cho các sản phẩm trồng trọt chủ lực và lợi thế của tỉnh.

Tổ chức thực hiện tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò; chủ động triển khai thực hiện Tháng vệ sinh, khử trùng tiêu độc phòng, chống dịch bệnh động vật; triển khai hỗ trợ tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi của xã Ngổ Luông, huyện Tân Lạc. Đẩy mạnh công tác giám sát dịch bệnh động vật.Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, môi trường, dịch bệnh tại các huyện, thành phố nhất là khu vực vùng hồ thủy điện sông Đà, cảnh báo kịp thời đến chính quyền địa phương và người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh nhằm giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất nuôi trồng thuỷ sản.

Đôn đốc các địa phương có biện pháp quản lý chặt chẽ các nguồn nước, hồ chứa, chủ động thực hiện điều tiết nước tưới hợp lý, tiết kiệm phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Tiếp tục quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có. Duy trì công tác trực phòng chống cháy rừng. Đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác theo dõi diễn biến rừng; theo dõi thu nhập trên đất lâm nghiệp các huyện, thành phố. Đôn đốc các đơn vị thực hiện tốt công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn các huyện, thành phố; các cơ sở sản xuất chuẩn bị giống đảm bảo kế hoạch trồng rừng năm 2023, đẩy nhanh chuyển dịch mùa vụ trồng rừng.

Tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền chương trình nông thôn mới, thực hiện các nội dung theo kế hoạch công tác của Ban chỉ đạo các CT MTQG tỉnh và Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tăng cường công tác giám sát an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh. Xây dựng kế hoạch lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh…/.