Hiện toàn tỉnh có trên 10 nghìn ha và trồng tái canh diện tích bằng các giống có năng suất, chất lượng cao (cam CS1, cam BH, cam V2, bưởi đỏ, bưởi diễn,....) trong dó diện tích cam quýt khoảng 4.500 ha, diện tích bưởi khoảng 5.300 ha, diện tích thu hoạch trên 8 nghìn ha; sản lượng ước đạt 17,3 vạn tấn. Riêng nhóm chín sớm và chính vụ khoảng trên 100 ngàn tấn, chiếm khoảng 70% sản lượng. Sản lượng trên hiện nay cơ bản đã thu hoạch xong; Hiện các nhà vườn đang thu hoạch cam V2 với diện tích khoảng 960 ha, năng suất ước đạt 250 tạ/ha. Sản lượng ước đạt 24 nghìn tấn.
Tổng đàn gia súc 707,7 nghìn con. Trong đó: Tổng đàn trâu 115.400 con đạt 99,7% so với cùng kỳ; đàn bò 87.438 con đạt 103,11% so với cùng kỳ; đàn lợn 453.489 con đạt 102,41% so với cùng kỳ; đàn gia cầm 8.310 nghìn con đạt 103,98% so với cùng kỳ; đàn dê 51,38 nghìn con đạt 100,02% so với cùng kỳ.
Tình hình phát triển chăn nuôi trên địa bàn phát triển ổn định; giá một số sản phẩm tăng khá so với cùng kỳ tháng trước (thịt lợn tăng gần 7%, gia cầm tăng gần 6%) nhưng vẫn đảm bảo đáp ứng nhu cầu thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán 2022, bên cạnh đó vẫn đủ cung ứng cho các thị trường ngoài tỉnh.
Tuy nhiên trên địa bàn vẫn còn dịch tả lợn châu Phi. Lũy kế từ ngày 01/01/2022 đến ngày 15/02/2022 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình còn 28 xã của 05 huyện, Thành phố còn dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Trong đó có 23 xã đã qua 21 ngày nhưng chưa công bố hết dịch; 05 xã chưa qua 21 ngày. Tổng số lợn ốm, chết phải tiêu hủy là: 190 con, trọng lượng tiêu hủy là: 10.753 kg.
Duy trì diện tích nuôi cá ao hồ nhỏ, nuôi cá ruộng, nuôi cá hồ chứa là 2.700 ha; 4,7 nghìn lồng cá. Tổng sản lượng cá thu hoạch trong quý ước đạt 3.121 tấn, trong đó sản lượng cá khai thác 451 tấn, sản lượng cá nuôi 2.670 tấn. Các cơ sở nuôi trồng thủy sản đang tích cực thực hiện các biện pháp chăm sóc, quản lý môi trường nuôi, ương nuôi cá bột, thu hoạch cá thương phẩm, cải tạo ao, hồ cho vụ sản xuất tới. Các cơ sở, hộ dân sản xuất cá giống đang cho sinh sản nhân tạo và ương nuôi cá bột, cá hương, cá giống phục vụ cho sản xuất vụ xuân. Sản lượng cá giống ước đạt trên 9 triệu con giống các loại.
Trong quý I toàn tỉnh đã trồng được 239,07 ha rừng trồng tập trung và 64.000 cây phân tán. Các địa phương rà soát hiện trường, chuẩn bị vật tư, vật liệu sản xuất giống cây lâm nghiệp phục vụ công tác trồng rừng theo kế hoạch năm 2022; Tổng thu nhập từ rừng của các tổ chức, hộ gia đình trên địa bàn toàn tỉnh ước đạt là 134.168,92 triệu đồng. Có 214 cơ sở chế biến lâm sản, giá trị hàng hóa ước đạt trong kỳ 320.707,4 triệu đồng. Trong đó: xuất khẩu ước đạt 126.253,8 triệu đồng, tiêu thụ nội địa ước đạt 194.453,6 triệu đồng.
Công tác bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng được tăng cường, lực lượng kiểm lâm phối hợp tốt với các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm tra phát hiện, ngăn chăn và xử lý kịp thời các vụ mua bán, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Trong quý I, trên địa bàn toàn tỉnh đã xử lý 03 vụ vi phạm quy định về quản lý lâm sản; tịch thu 1,76 m 3 gỗ và 660 kg thớt gỗ Nghiến; tiền phạt nộp ngân sách 22,75 triệu đồng. Các vụ vi phạm được xử lý nghiêm, đúng hành vi vi phạm, có tính răn đe cao và không có khiếu nại xảy ra. Do làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, trong quý I trên địa bàn tỉnh không có các điểm nóng về phá rừng, khai thác rừng, vận chuyển lâm sản trái phép, an ninh rừng được giữ vững.
Nhiệm vụ trọng tâm quý II, tiếp tục tăng cường các biện pháp chỉ đạo sản xuất, hướng dẫn chăm sóc, bón phân và thâm canh cây lúa, cây màu đúng quy trình kỹ thuật; Thực hiện đồng bộ các giải pháp chống hạn, tưới nước tiết kiệm và hiệu quả. Đẩy mạnh việc gieo trồng các cây màu để đảm bảo thời vụ đặc biệt với những diện tích đất lúa chuyển sang trồng các cây màu. Thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo phòng trừ sâu bệnh hại, chuột hại, chỉ đạo hệ thống khuyến nông viên cơ sở tập trung hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân phòng chống sâu bệnh, chăm sóc lúa, màu; Chuẩn bị các điều kiện để triển khai thực hiện kế hoạch sản xuất vụ hè thu - vụ mùa năm 2022.
Tăng cường kiểm soát, phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là các loại dịch nguy hiểm như Bệnh Dịch tả lợn Châu phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò và các loại bệnh khác trên địa bàn các huyện, thành phố. Thực hiện công tác tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng, duy trì hoạt động của các chốt kiểm dịch, chủ động phát hiện, xử lý kịp thời dịch, bệnh xảy ra. Đẩy mạnh việc tái đàn vật nuôi, đặc biệt là tái đàn lợn nhằm góp phần ổn định giá cả, cung cầu thịt sau Tết Nguyên đán.
Chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, chăm sóc rừng, phòng chống cháy rừng. Điều tiết nước hợp lý, quản lý chặt chẽ các hồ đập, đảm bảo tích đủ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Tiếp tục triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2022 theo kế hoạch./.