Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 11/2022 ước giảm 4,98% so với tháng 10/2022. Lũy kế từ đầu năm đến cuối tháng 11/2022 ước tăng 11,63% so với tháng 11/2021. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 11/2022 ước đạt 5.135 tỷ đồng, tăng 3,42 % so với tháng trước, tăng 32,18% so với cùng kỳ. Lũy kế 11 tháng đạt 48.470 tỷ đồng thực hiện 92,38% kế hoạch năm.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 11 ước đạt 127,068 triệu USD, lũy kế 11 tháng ước đạt 1.308,184 triệu USD, tăng 2,21% so với tháng trước, tăng 33,17% so vời cùng kỳ, đạt 91,04% kế hoạch năm. Kim ngạch nhập khẩu tháng 11 ước đạt 95,576 triệu USD, lũy kế 11 tháng ước đạt 1.000,936 triệu USD, tăng 0,81% so với tháng trước, tăng 26,24% so với cùng kỳ, đạt 91,24% kế hoạch năm. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 tăng 0,05 % so với tháng trước tăng một số ngành như giao thông, dịch vụ, du lịch lương thực, thực phẩm, giáo dục...
Thu ngân sách nhà nước ước thực hiện hết tháng 11/2022 đạt 5.343,21 tỷ đồng, trong đó thu nội địa là 5.043,319 tỷ đồng, bằng 141% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 83% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh, thu xuất nhập khẩu ước đạt 299.891 triệu đồng, bằng 95% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và so chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao.
Tính đến ngày 31/10/2022, tổng số kế hoạch vốn đã giải ngân là 2.252,715 tỷ đồng, đạt 51% so với số kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 43% so với số kế hoạch vốn Hội đồng nhân dân tỉnh giao.
Lũy kế đến thời điểm báo cáo, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 722 dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách còn hiệu lực, trong đó có 37 dự án đầu tư vốn nước ngoài với tổng vốn khoảng 608 triệu USD và 685 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn khoảng 180.587 tỷ đồng.
Tháng 11/2022, tiếp nhận, cấp mới 02 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư là 48,2 tỷ đồng; điều chỉnh 03 dự án; thu hồi 01 dự án. Lũy kế từ đầu năm đến thời điểm báo cáo, các KCN thu hút được 10 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký là 4.637,3 tỷ đồng, điều chỉnh 24 dự án, chấm dứt hoạt động 05 dự án đầu tư. Tính đến nay, tổng số dự án đầu tư vào các KCN của tỉnh là 105 dự án, trong đó 25 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, tổng vốn đăng ký 518,99 triệu USD và 80 dự án đầu tư trong nước, tổng số vốn đăng ký 15.784,5 tỷ đồng.
Các hoạt động văn hóa- xã hội được duy trì và có bước phát triển, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân được cải thiện.
Nhiệm vụ thời gian tới, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và kịch bản tăng trưởng các quý còn lại của năm 2022. Đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh Hòa Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch đầu tư công năm 2023.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Tập trung chỉ đạo chăm sóc cây trồng vụ Hè thu, vụ Mùa và vụ Đông. Đẩy mạnh thực hiện xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là các xã dự kiến đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2022; thực hiện có hiệu quả Kế hoạch “Mỗi xã một sản phẩm”, “Bộ tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu” và “Bộ tiêu chí vườn mẫu nông thôn mới”.
Theo dõi tình hình thị trường hàng hóa các tháng cuối năm, xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường dịp Tết Dương lịch Tết Nguyên đán 2023. Tiếp tục thực hiện các giải pháp đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm trước các tình huống diễn biến của dịch bệnh. Tập trung tháo gỡ khó khăn thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Đặc biệt là vào các tháng cuối năm, trước Tết Nguyên đán. Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, UBND các huyện, thành phố tăng cường phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và hành vi gian lận thương mại khác.
Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, công tác quản lý thị trường tạo điều kiện thúc đẩy thương mại nội địa và xuất khẩu. Duy trì và nâng cao hiệu quả việc tổ chức các hoạt động kết nối giao thương cho doanh nghiệp; vận động doanh nghiệp tích cực tham gia các chương trình, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tham gia các hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu của các tỉnh, thành trong cả nước. Tiếp tục nâng cao chất lượng lưới điện, điều hành cung cấp điện đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân.
Tiếp tục chỉ đạo các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện và thành phố, các Chủ đầu tư thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, kịp thời đề xuất phương án giải quyết khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công của các công trình dự án, rà soát, điều chuyển vốn của các dự án chậm tiến độ cho các dự án trọng điểm đã có khối lượng thực hiện, đảm bảo giải ngân hết nguồn vốn đầu tư công được giao năm 2022. Khẩn trương phân giao chi tiết danh mục mức vốn cho các dự án đầu tư thuộc các Chương trình MTQG và phân bổ vốn đầu tư Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công năm 2023 ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tập trung chỉ đạo, giải quyết những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuẩn bị đầu tư đối với các dự án trọng điểm. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh và lập các đồ án quy hoạch quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thực hiện tốt nhiệm vụ thu, chi ngân sách. Tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp nhằm tăng thu ngân sách Nhà nước năm 2022; tập trung huy động các nguồn thu từ thuế, phí, đặc biệt quan tâm và đôn đốc thu nợ đọng thuế. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính; quản lý chặt chẽ các khoản chi, hạn chế phát sinh ngoài dự toán; triệt để tiết kiệm trong chi tiêu ngân sách, kể cả chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển.
Tăng cường công tác quản lý về lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Tập trung chỉ đạo các đơn vị, trường học thực hiện tốt kế hoạch năm học 2022 – 2023. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch. Triển khai các hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan, văn hóa nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị và kỷ niệm các ngày lễ lớn. Triển khai đồng bộ, linh hoạt các chính sách kích cầu, phục hồi du lịch. Triển khai chiến dịch truyền thông kích cầu du lịch. Tiếp tục chỉ đạo các tuyến làm tốt công tác khám chữa bệnh, thực hiện tốt chế độ thường trực cấp cứu, sẵn sàng tiếp nhận và cứu chữa bệnh nhân.
Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Tăng cường công tác tiếp công dân, tiếp xúc đối thoại tại cơ sở để nắm bắt cụ thể, kịp thời và giải quyết hiệu quả các vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân; đẩy mạnh việc rà soát, giải quyết theo thẩm quyền các kiến nghị còn tồn đọng, các vấn đề bức xúc, ý kiến kiến nghị của cử tri địa phương. Duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, nắm chắc tình hình chủ động phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn kịp thời xử lý mọi tình huống. Tiếp tục làm tốt công tác bảo vệ an ninh trật tự, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, chủ động trong mọi tình huống, không để trở thành “điểm nóng”. Triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh trấn áp các loại tội phạm theo chương trình, kế hoạch..../.