Đến nay, từ nhiều nguồn vốn lồng ghép, tỉnh Hòa Bình đã xây dựng được hàng trăm công trình nước sạch tập trung; tỷ lệ người dân nông thôn được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 91,5%; số hộ dân nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh chiếm trên 73%; số chuồng trại chăn nuôi xử lý chất thải đảm bảo VSMT chiếm trên 60%. Nhờ đó, tỷ lệ người dân nông thôn được thụ hưởng nguồn nước sạch, môi trường nông thôn được cải thiện, thay đổi theo chiều hướng tích cực. Qua đánh giá, hết năm 2021, toàn tỉnh có 71/131 xã đạt tiêu chí số 17 về môi trường.
Với sự quan tâm của tỉnh cũng như các ban ngành chức năng trên địa bàn, những năm qua chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Hòa Bình đã và đang được triển khai hiệu quả, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng sống cho Nhân dân, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, tỉnh Hòa Bình đã huy động hàng trăm tỷ đồng từ các nguồn vốn để xây dựng nhiều loại hình cấp nước sinh hoạt như hệ thống nước tự chảy, giếng khoan, bể nước mưa, các công trình cấp nước sạch tại nhiều vùng nông thôn trên địa bàn.
Tỉnh Hòa Bình đã huy động toàn bộ sự tham gia của các cấp, ngành và hầu hết các nguồn lực tài chính cộng với sự tham gia của Nhân dân các dân tộc vào chương trình. Đồng thời, triển khai thực hiện lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình dự án khác để tăng nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xã hội hóa công tác cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn. Đặc biệt, Hòa Bình là tỉnh miền núi có địa hình phức tạp, dân cư thưa thớt, trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán còn lạc hậu nên việc đầu tư xây dựng các loại hình cấp nước sinh hoạt cũng được chính quyền địa phương quan tâm và có giải pháp cấp nước hợp lý. Theo đó, việc áp dụng dự án cấp nước có công nghệ xử lý cao, quản lý vận hành phức tạp được áp dụng ở những khu tập trung dân cư như thị trấn, thị tứ, khu trung tâm cụm xã.
Nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra, tỉnh Hòa Bình sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực của Trung ương, địa phương cũng như sự tham gia đóng góp của Nhân dân. Đồng thời, mở các lớp tập huấn quản lý, vận hành, bảo dưỡng sửa chữa các công trình cấp nước tập trung. Từ các lớp tập huấn đó, sẽ rút ra nhiều kinh nghiệm quản lý, vận hành sau đầu tư cho những cán bộ quản lý các công trình nhằm bảo đảm các công trình cấp nước phát huy hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế đối với những vùng nông thôn, nhất là các xã vùng cao, vùng sâu trên địa bàn tỉnh./.