Để kịp thời phát hiện, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật, góp phần phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã chỉ đạo các thành viên và cơ quan đơn vị chức năng chủ động nắm tình hình, tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung, tập trung vào các mặt hàng thiết bị vật tư y tế, phục vụ dịch bệnh Covid-19 nói riêng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm như đầu cơ, găm hàng, vi phạm về giá, về chất lượng hàng hóa, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng ngày càng tinh vi nhắm trốn tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng; hàng hóa chủ yếu là thông qua khâu chung chuyển, lưu thông hàng hóa qua tuyến QL6; tuyến đường Hồ Chí Minh thường xuyên thay đổi địa bàn, quy luật hoạt động; trà trộn hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc xuống hàng, gom hàng tại các kho nơi địa bàn hẻo lánh, ít người qua lại để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng, sau đó vận chuyển dần đi tiêu thụ.
Dịch covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn, do đó tình trạng số vụ vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả giảm so với cùng kỳ năm 2019. Các đối tượng chuyển hướng kinh doanh, vận chuyển hàng lậu, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, giả mạo nhãn mác, xuất xứ, không rõ nguồn gốc qua đường bưu điện, chuyển phát nhanh, mua bán qua mạng online. Lợi dụng những kẽ hở của pháp luật và trình độ nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, mức thu nhập thấp, các đối tượng đánh vào tâm lý ham rẻ của người tiêu dùng, tiêu thụ ở vùng sâu, vùng xa, địa bàn hiểm trở đi lại khó khăn, với những vi phạm tập trung ở những mặt hàng có thương hiệu và tiêu dùng thông thường trên địa bàn như: mì chính, phụ tùng xe máy…gây ảnh hưởng đến quyền lợi và an toàn sức khỏe của người tiêu dùng, tác động tiêu cực tới đời sống nhân dân và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh chân chính.
Công tác phối hợp giữa các ngành chức năng với chính quyền địa phương thực hiện tốt, góp phần giải quyết và xử lý kịp thời các vụ việc phức tạp. Công tác tuyên truyền được thực hiện dưới nhiều hình thức, trên các phương tiện thông tin đại chúng, băng đĩa, tờ rời, lồng ghép vào các cuộc họp thôn, bản…
Năm 2020, thông qua đường dây nóng, Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh đã kiểm tra, xử lý 02 vụ buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa; xử lý hình sự 01 vụ “vận chuyển hàng cấm” là pháo nổ. Các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 1.427 vụ (tăng 12% so với cùng kỳ năm 2019); tổng số tiền xử phạt và truy thu thuế 46.373 triệu đồng. Lực lượng công an đã phát hiện, xử lý 220 vụ vi phạm, xử phạt hành chính 219 vụ. Lực lượng quản lý thị trường phát hiện, xử lý 734 vụ, thu nộp NSNN gần 1,7 tỷ đồng; lực lượng kiểm lâm phát hiện, xử lý 60 vụ vi phạm, phạt vi phạm hành chính trên 500 triệu đồng. Công an Thuế tiến hành thanh tra, kiểm tra 331 doanh nghiệp, phạt vi phạm hành chính trên 9 tỷ đồng, truy thu thuế trên 32 tỷ đồng…Duy trì và tăng cường hoạt động tại 10 chốt kiểm dịch, kết quả kiểm dịch được 324 con trâu bò thương phẩm; 902.709 conm lợn giống và lợn thương phẩm; trên 36 nghìn con gia cầm và gia cầm thương phẩm; kiểm soát giết mổ 7.070 con trâu, bò, lợn; 53.347 con gia cầm…
Năm 2021, hoạt động buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại sẽ tiếp tục diễn ra với tính chất phức tạp, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong công tác phát hiện, bắt giữ và xử lý. Vì vậy, cần từng bước nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp giữa các lực lượng trong đấu tranh chống buôn lậu, tăng cường kiểm tra, kiểm soát cũng như công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực thương mại…/.