Trong 10 năm qua, công tác quy hoạch phát triển hệ thống y tế trong tỉnh được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Bệnh viên đa khoa tỉnh và nhiều bệnh viên tuyến huyện, trạm y tế xã được đầu tư xây mới, bổ sung các trang thiết bị hiện đại. Đội nghũ cán bộ y tế ngày càng được nâng cao về trình độ chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Việc khám chữa bệnh và phục hồi chức năng được củng cố và phát triển, các bệnh viện được đầu tư nâng cấp và xây mới về cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh một số chuyên khoa sâu, phức. Từ năm 2009 đã triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các trạm y tế xã, đến nay đã có 195 trạm y tế xã, phường, thị trấn trong tỉnh duy trì khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT, đảm bảo thuận tiện cho người dân trong việc chăm sóc sức khỏe.
Việc kế thừa, bảo tồn phát huy và phát triển y dược học cổ truyền được các cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo thực hiện. Ngành y tế bảo tồn, cấp chứng chỉ và làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân biết nuôi trồng, chăm sóc và bảo vệ các cây thuốc quý hiếm phát triển thành vùng trồng dược liệu, hệ thống khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Công tác kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc lưu hành trên thị trường được thực hiện thường xuyên nhằm loại bỏ thuốc giả, thuốc kém chất lượng và kiểm soát giá thuốc, việc chấp hành các quy định của nhà nước về lĩnh vực y tế của các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc trên địa bàn tỉnh.
Công tác tuyên truyền đã phát huy hiệu quả tích cực công tác tuyên truyền của cán bộ y tế cơ sở, các khu phố, xóm, bản ngày càng được phát huy hiệu quả. Hoạt động của các Câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”, “Tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”… được duy trì, phát triển đã góp phần quan trọng trong việc truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe nhân dân. Từ đó người dân đã tham gia tích cực vào các chương trình y tế, bảo vệ môi trường sống được triển khai tại cộng đồng, tự giác chăm lo sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Công tác tuyên truyền giáo dục về chăm sóc sức khỏe vị thành niên cho học sinh được ngành Giáo dục và Đào tạo quan tâm, đã chỉ đạo đưa vào các trường THCS, THPT thông qua các buổi sinh hoạt lớp, chương trình ngoại khóa, lồng ghép trong các môn học góp phần nâng cao hiểu biết của học sinh về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho bản thân và cộng đồng.
Ngoài những kết quả đạt được nêu trên, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc triển khai, cụ thể hóa các nội dung Nghị quyết, các chính sách, chương trình, kế hoạch thực hiện chưa sát với thực tế, thiếu sự kiểm tra, giám sát trong quá trình chỉ đạo thực hiện. Kết quả công tác xã hội hóa y tế còn hạn chế, chưa thu hút được nhiều sự đầu tư từ các nguồn lực trong xã hội, còn trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước. Việc vận động nhân dân tham gia phòng chống bệnh tật và các chương trình Nước sạch và vệ sinh môi trường, xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phòng chống các bệnh xã hội, an toàn thực phẩm ở một số ít cơ sở hiệu quả chưa cao. Năng lực cán bộ y tế một số nơi còn hạn chế, thiếu cán bộ trình độ chuyên khoa, chuyên sâu, số bác sĩ là cán bộ chuyên môn có trình độ đại học chưa thật sự yên tâm công tác đã ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh. Tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của một số cơ sở y tế và cán bộ, nhân viên chưa được mềm dẻo. Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu về diện tích, và chưa đạt chuẩn theo quy định, trang thiết bị y tế còn thiếu, chưa đồng bộ. Công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập. Tiến độ xây dựng các trạm y tế xã, phường, thị trấn đạt Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế còn chậm.
Nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23/2/2005 của Bộ Chính trị nhằm nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể, tổ chức xã hội và mỗi người dân trong việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe, đưa vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của địa phương, đơn vị. Kiện toàn và ổn định mô hình tổ chức hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở. Triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách quốc gia về y dược học cổ truyền và kế hoạch hành động về phát triển y, dược cổ truyền Việt Nam đến năm 2020. Tiếp tục thực hiện xã hội hóa công tác y tế, tăng cường hiệu quả sự phối hợp giữa các ngành từ tỉnh đến cơ sở. Tiếp tục sửa đổi, bổ sung chính sách khuyến khích, thu hút cán bộ y tế có trình độ chuyên môn cao về tỉnh công tác để phát triển nguồn nhân lực y tế cân đối, hợp lý, đồng bộ giữa các vùng, miền. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực và nguồn kinh phí đầu tư của nhà nước trong xây dựng cơ sở vât chất, mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Mở rộng và triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về nâng cao sức khỏe cho nhân dân. Tiếp tục đầu tư, xây dựng trạm y tế các xã, phường, thị trấn đạt Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế theo tiêu chí mới. Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát và định kỳ sơ, tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết./.