Trên cơ sở khai thác tiềm năng về tài nguyên và sức lao động từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân. Phấn đấu đến năm 2020 ổn định được nơi ở của nhân dân, không còn hộ có nguy cơ tái nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo bằng mức bình quân chung của tỉnh; đầu tư xây dựng đồng bộ các công trình kết cấu hạ tầng phực vụ phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đạt tiêu chí nông thôn mới. Nâng tỷ lệ độ che phủ rừng của vùng hồ, bảo vệ môi trường sinh thái và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng tái định cư Dự án thủy điện Hòa Bình trên địa bàn tỉnh.
Đề án đặt ra mục tiêu cụ thể phấn đấu tới năm 2020 giải quyết cơ bản công tác bố trí, ổn định dân cư các xóm, bản tại các xã ven hồ, bao gồm di dân, tái định cư tập trung khoảng 300 hộ; di dân xen ghép trong xã khoảng 1.200 hộ. Phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp nhỏ và vừa; phát triển các dịch vụ trên cơ sở tăng cường năng lực cho nhân dân để khai thác lợi thế địa lý, tiềm năng về đất đai, sông hồ, tài nguyên phục vụ sản xuất hàng hóa. Phấn đấu tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ đạt từ 20- 25% trong cơ cấu kinh tế các xã vùng hồ; tạo điều kiện để người dân tiếp cận được các dịch vụ sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm. giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp xuống còn 60% trong lao động xã hội, tăng tỷ lệ lao động được đạo tạo nghề lên 40% trong nông thôn. Xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế -xã hội, bảo đảm phát triển bền vững cho nhân dân vùng hồ đạt tiêu chí nông thôn mới; phát triển giáo dục, y tế, văn hóa – xã hội cho nhân dân vùng hồ ngang bằng với các khu vực khác trong tỉnh; đầu tư phát triển rừng phòng hộ kết hợp với rừng kinh tế nhằm nâng cao thu nhập của người dân và bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao tỷ lệ độ che phủ rừng của vùng hồ đạt 60%.
Đề án được thực hiện áp dụng trên phạm vi 36 xã, phường thuộc 5 huyện Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, Cao Phong, Kim Bôi, thành phố Hòa Bình và một số xã để sắp xếp ổn định dân cư cho các hộ thuộc các xã có nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét. Cụ thể trong vùng hồ sông Đà gồm 26 xã phường, trong đó huyện Đà Bắc gồm 13 xã Đồng Nghê, Suối Nánh, Tiền Phong, Vầy Nưa, Hiền Lương, Toàn Sơn, Đồng Ruộng, Yên Hòa, Mường Tuổng, Đồng Chum, Cao Sơn, Hào Lý; huyện Cao Phong gồm 2 xã Bình Thanh và Thung Nai; huyện Tân Lạc có xã Ngòi Hoa; huyện Mai Châu gồm 4 xã Tân Mai, Phúc Sạn, Ba Khan, Tân Dân; thành phố Hòa Bình gồm 3 xã Thái Thịnh, Hòa Bình, Yên Mông và 3 phường Thịnh Lang, Hữu Nghị, Tân Hòa. Các xã ngoài vùng hồ sông Đà gồm 10 xã phường, trong đó huyện Đà Bắc gồm thị trấn Đà Bắc và xã Tu Lý; huyện Mai Châu gồm 2 xã Tòng Đậu, Vạn Mai; huyện Tân Lạc gồm 4 xã Tử Nê, Mỹ Hòa, Trung Hòa, Phú Vinh; thành phố Hòa Bình có xã Thống Nhất; huyện Kim Bôi có xã Tú Sơn. Các xã tiếp nhận các hộ thuộc các xã có nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét gồm 3 xã Yên Nghiệp(huyện Lạc Sơn), xã Bảo Hiệu(huyện Yên Thủy), xã Đồng Tâm(huyện Lạc Thủy).
Đối tượng áp dụng của đề án bao gồm các tổ chức, cá nhân, hộ tái định cư và hộ sở tại đang sinh sống, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn các xã vùng chuyển dân sông Đà, tỉnh Hòa Bình. Thời gian áp dụng của đề án từ năm 2009 tới năm 2020./.