DetailController

Quốc phòng - An ninh

Tiếp tục tăng cường công tác phòng chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng

07/02/2024 16:30
Trong thời gian qua, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng nói riêng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện và đạt được một số kết quả tích cực, nhiều vụ án lớn đã được triệt phá, giải quyết dứt điểm, kịp thời góp phần chung vào công tác bảo vệ an ninh chính trị, an toàn xã hội nhất là kể từ khi Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình có Văn bản số 1636/UBND-NVK ngày 20/9/2022 chỉ đạo về việc tăng cường phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Tuy nhiên, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng vẫn diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng với các phương thức, thủ đoạn tinh vi gây thiệt hại ngày càng lớn. Theo số liệu thống kê của Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Hòa Bình, trong thời gian từ năm 2020 đến năm 2023 đã thụ lý kiểm sát 121 nguồn tin về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; khởi tố mới 88 vụ/16 bị can, số tiền mà các bị hại bị chiếm đoạt năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2020 số tiền bị chiếm đoạt là 393.000.000 đồng; năm 2021 là 6.186.055.529 đồng; năm 2022 là 9.283.412.594 đồng; năm 2023 là 15.953.000.000 đồng.

Về phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng phạm tội thường hay thực hiện như: Chiếm quyền sử dụng tài khoản mạng xã hội rồi nhắn tin trực tiếp với người bị hại, đặt vấn đề vay, mượn tiền; Giả danh là doanh nghiệp quản lý mạng viễn thông; thông báo người dùng đã may mắn trúng giải thưởng của nhà quản lý mạng xã hội và yêu cầu họ chuyến phí để nhận giải thưởng; Tuyển cộng tác viên bán hàng, xử lý đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử, sau đó yêu cầu bị hại chuyển tiền xử lý đơn hàng, nhận hoa hồng để chiếm đoạt tài sản; Thủ đoạn gọi điện thoại, nhắn tin với người dân, giả danh là người của Cơ quan pháp luật (Công an, Viện kiểm sát, Tòa án) đưa ra thông tin gian dối về việc bị hại có liên quan đến đường dây tội phạm, đang bị điều tra xác minh, xử phạt nguội vi phạm giao thông... yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do đối tượng hướng dẫn rồi chiếm đoạt...

Về đối tượng bị hại chủ yếu là nữ giới (chiếm 82%), trong đó nhóm người có độ tuổi từ 40 tuổi đến 60 tuổi chiếm 45%, nhóm tuổi từ 60 tuổi trở lên chiếm 55%.

Với tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt trên không gian mạng diễn biến phức tạp, tinh vi, gây ra hậu quả rất nghiệm trọng làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn toàn tỉnh. Ngày 6/02, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Công văn số 199/UBND-NVK về việc tiếp tục tăng cường công tác phòng chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở; Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ Ủy ban nhân dân các huyện thành phố thực hiện một số nội dung sau: Tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Nghị định số 25/2014/NĐ-CP ngày 07/4/2014 của Chính phủ quy định về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao; Công văn số 1636/UBND-NVK ngày 20/9/2022 của đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về việc tăng cường phòng, chống tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Bên cạnh đó, chú trọng việc tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao cảnh giác và thông tin về phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đến người dân cũng như có các giải pháp để phối hợp nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa đối với loại tội phạm này trên địa bàn toàn tỉnh.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiêm túc triển khai, thực hiện./.