Hiện nay lúa trà sớm giai đoạn chắc xanh - đỏ đuôi; trà chính vụ ôm đòng - trỗ bông; trà muộn phân hóa đòng. Theo kết quả điều tra phát hiện trên đồng ruộng, diễn biến tình hình rầy gây hại tăng mạnh, mật độ trung bình 300-500 con/m2, cao 700-1500 con/m2; cục bộ có những ruộng > 3000 con/m2, gây cháy từng chòm tại một số huyện, thành phố (Kim Bôi, Lạc Sơn) và tiếp tục gây hại từ nay đến 10/5/2024 trên các trà lúa;
Để phòng trừ kịp thời hiệu quả và bảo vệ sản xuất, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị các cơ quan chuyên môn bám sát địa bàn, chỉ đạo cơ sở cũng như hướng dẫn nông dân thực hiện phun phòng trừ như sau:
Tổ chức triển khai quyết liệt công tác chỉ đạo sản xuất theo các nội dung Công văn số 1014/SNN-TTBVTV ngày 19/4/2024 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường công tác chỉ đạo phòng chống sinh vật gây hại trên cây lúa vụ Xuân năm 2024. Kiên quyết không để các đối tượng sinh vật gây hại phát sinh thành dịch gây hại trên diện rộng.
Khoanh vùng diện tích nhiễm rầy và hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật phòng trừ rầy để nông dân biết, chủ động phòng trừ có hiệu quả. Cụ thể như sau:
Tổ chức phòng trừ kịp thời những diện tích có mật độ cao 1000-1500 con/m2 ngay từ khi xuất hiện rầy cám (rầy tuổi 1 - 3).
Đối với diện tích lúa đang giai đoạn trỗ bông - chắc xanh: Thời điểm phòng trừ từ nay đến 5/5/2024; Sử dụng một trong các loại thuốc tiếp xúc như: Mopride 20WP, Bassa 50EC, Nibas 50EC, Padan 95SP, Virtako 1.5GR, Mofitox 40EC... hay những thuốc khác trong danh mục được sử dụng tại Việt Nam có đăng ký trừ rầy. Khi phun thuốc phải tuân theo nguyên tắc "4 đúng", phải rẽ lúa thánh các đường băng, lùa vòi phun xuống dưới đảm bảo để thuốc tiếp xúc trực tiếp với nơi rầy cư trú.
Đối với diện tích lúa đang giai đoạn cuối đứng cái - đòng già: Thời điểm phun từ 5/5 - 15/5/2024; Nếu phun xong mật độ rầy vẫn còn cao phải phun lại lần 2, cách lần 1 từ 3-5 ngày, những ruộng phun xong gặp mưa cần tiến hành phun lại.
Ngoài ra còn có một số đối tượng dịch hại khác như: sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, bệnh bạc lá-đóm sọc vi khuẩn, bệnh đạo ôn, chuột... cần chú ý điều tra phát hiện kịp thời và tổ chức phòng trừ sớm theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn tránh lây lan dịch bệnh.
Những vướng mắc phát sinh trong quá trình chỉ đạo sản xuất, đề nghị thông tin kịp thời về Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (cả trong và ngoài giờ hành chính) theo số điện thoại 0914347669 (ông Yến), 0979988965 (bà Đào), 0984289886 (ông Nam) hay địa chỉ email: bvtvhoabinh2005@gmail.com; Website: http://trongtrotvabaovethucvat.hoabinh.gov.vn./.