DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Tiếp tục phát huy hiệu quả phong trào “Dân vận khéo”

02/05/2013 00:00
Sau hơn 2 năm triển khai sâu rộng trong toàn tỉnh, phong trào "Dân vận khéo" đã đi vào thực tiễn đời sống nhân dân với nhiều mô hình hoạt động hiệu quả, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới tại các địa phương trong tỉnh.

Trên lĩnh vực kinh tế, các phong trào thi đua "Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi", “xây dựng Cánh đồng thu nhập cao”, "Rừng-vườn-ao-chuồng"; "Chăn nuôi theo hướng công nghiệp"; "2 lúa, 1 màu"; "Nuôi trồng thủy sản"; “Trồng cây đặc sản"; “Trồng rừng nguyên liệu kết hợp chăn nuôi”, “Dồn điền, đổi thửa”, “Phát triển ngành nghề phụ tiểu thủ công nghiệp”,...đem lại hiệu quả kinh tế cao, làm thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm của người dân, giúp người dân mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đã tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho hàng ngàn lao động, huy động tiềm năng, lợi thế của địa phương xoá đói, giảm nghèo.

Các mô hình "Dân vận khéo" trong lĩnh vực văn hóa xã hội như: "Hiến đất xây trường học";“Tiếng trống học đêm”; “Hũ gạo tình thương”; “2000 đồng vun đắp tình thương”; “Giúp thanh niên mưu sinh lập nghiệp”; “Xây dựng làng bản, văn hoá quốc phòng” của Bộ CHQS tỉnh; “Làng không có tệ nạn xã hội”, “Làng không có con em bỏ học”; “Vận động đồng bào Công giáo sống tốt đời, đẹp đạo”; “Khu dân cư không có ma túy”; “câu lạc bộ cồng chiêng” của huyện Lạc Thuỷ; “Câu lạc bộ đồng cảm” của xã Hoà Sơn, huyện Lương Sơn; mô hình “Gia đình 5 không, 3 sạch”; “Không sinh con thứ 3”; “Gia đình không có người thân vi phạm pháp luật”; “lồng ghép truyền thông dân số/sức khỏe sinh sản”... đã từng bước thấm sâu vào đời sống xã hội, thu hút mọi thành phần, lứa tuổi, giới tính tham gia.

Từ phong trào thi đua “Dân vận khéo” hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh đã xuất hiện nhiều điển hình trong việc tham gia gìn giữ và phát huy nét đẹp của nền văn hoá các dân tộc tỉnh Hoà Bình. Các lễ hội dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao... với phương châm giữ lại các nét tinh hoa, giản lược hủ tục lạc hậu đã được tổ chức trang trọng trong các dịp lễ tết, thu hút đông đảo quần chúng tham gia. Nhiều nơi đã hình thành các câu lạc bộ “Cồng chiêng”, các đội văn nghệ quần chúng. Cùng với việc phát triển các môn thể thao hiện đại việc duy trì, phát triển các môn thể thao dân tộc như bắn nỏ, đẩy gậy, ném còn, kéo co...thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần, rèn luyện sức khoẻ cho mọi người. Thông qua các câu lạc bộ thể thao đã huy động được nhiều nguồn lực về tinh thần và vật chất nhằm xã hội hoá các hoạt động văn hoá, thể thao; góp phần nâng cao thành tích của các môn thi đấu ở tầm Quốc gia.

Dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận, đoàn thể, các đơn vị lực lượng vũ trang trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, bám sát tình hình địa bàn; vận động nhân dân đóng góp công sức tham gia phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh; tổ chức huy động lực lượng trực tiếp tham gia cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân, đồng thời tiếp tục xây dựng nhiều mô hình với nội dung, hình thức phong phú. Các mô hình “Làng, bản văn hoá - quốc phòng ở các xã đặc biệt khó khăn trong khu vực phòng thủ tỉnh”, “Lực lượng vũ trang tỉnh tham gia giúp đỡ 5 xã đặc biệt khó khăn”; “Xây dựng điểm sáng bình yên”; “Tổ công tác dân vận tham gia giúp đỡ xây dựng cơ sở ổn định chính trị - trật tự an toàn xã hội địa phương vững mạnh”, “Nhà đồng đội”, “Hòm tiết kiệm vì người nghèo”, “Vận động nhân dân giao nộp vũ khí và vật liệu nổ”...của Công an tỉnh tiếp tục được đẩy mạnh. Trong đó, mô hình "vận động nhân dân giao nộp vũ khí và vật liệu nổ" của huyện Mai Châu trong năm 2012 đã vận động nhân dân giao nộp được hơn 4000 khẩu súng các loại góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự địa bàn.

Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực cho thấy, các cấp ủy, Chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể, sở, ban, ngành đã có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, động viên nhân dân thực hiện, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Đến nay, phong trào đã trở thành nề nếp, được cấp ủy, chính quyền ghi nhận, biểu dương và phát huy hiệu quả thiết thực, huy động được các nguồn lực; lực lượng làm công tác dân vận tham gia; góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức thiết ở cơ sở, góp phần xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở. Do đó, trong giai đoạn tới cần tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể trong sạch, vững mạnh; thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, an ninh - quốc phòng ở địa phương, đơn vị.